Huyện Cư Kuin: Nỗ lực nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp
Những năm qua, công tác đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp cho người lao động trên địa bàn huyện Cư Kuin đã được chú trọng thực hiện, giúp người lao động lựa chọn ngành nghề, môi trường đào tạo phù hợp với điều kiện, nguyện vọng chính đáng.
Huyện Cư Kuin hiện có gần 70.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 57.700 người có việc làm (chiếm 82,67%), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%; hằng năm trung bình có 2.000 người lao động được giải quyết việc làm.
Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động đạt chất lượng, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về lao động việc làm, đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó, kết nối thường xuyên với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh giới thiệu để cập nhật thường xuyên thông tin thị trường việc làm, thị trường lao động ngoài nước chuyển tải đến người lao động.
Người lao động tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm tại huyện Cư Kuin. Ảnh: N. Hà |
Công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn thông tin cho người lao động chọn nghề, tìm việc làm cũng được chú trọng thực hiện. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể có liên quan từ huyện đến cơ sở và UBND các xã đã thường xuyên phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng đến đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số…
Để cụ thể hóa công tác hướng nghiệp, huyện đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối thông tin cung – cầu giữa người lao động với cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2019 đến 10 tháng đầu năm 2023, UBND huyện Cư Kuin đã tổ chức 4 chương trình tư vấn học nghề - việc làm – xuất khẩu lao động cho người lao động; 35 phiên giao dịch việc làm lưu động với sự tham gia của các doanh nghiệp và gần 5.000 người lao động. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lao động việc làm, nhất là lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Nhờ thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động, nhiều người lao động trên địa bàn huyện đã tìm được việc làm phù hợp thông qua các phiên giao dịch việc làm. Từ năm 2019 đến nay, công tác tư vấn, tuyển dụng của huyện Cư Kuin về đưa người lao động làm việc ở nước ngoài chưa phát sinh khiếu nại, kiến nghị của người lao động và người sử dụng lao động. Đáng nói, những trường hợp xuất khẩu lao động tại các nước, sau khi kết thúc hợp đồng trở về địa phương phần lớn các lao động này đều tích lũy từ được khoảng 800 triệu – 1,2 tỷ đồng để làm vốn phát triển kinh tế gia đình. Điển hình trong đó có chị Bùi Thị Như Phượng, là hộ cận nghèo của thôn 1B, xã Cư Êwi, chị Phượng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ năm 2018. Với mức lương ổn định, chị Phượng đã tiết kiệm tiền gửi về cho bố mẹ xây dựng nhà cửa, mở rộng vườn tược trồng cây ăn trái và chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị Phượng đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, bản thân chị Phượng cũng tiếp tục gia hạn hợp đồng để ở lại Nhật Bản làm việc.
Lãnh đạo xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) thăm hỏi động viên người dân xuất khẩu lao động trở về địa phương. Ảnh: N. Hà |
Trong tháng 11 vừa qua, hơn 100 lao động trên địa bàn huyện Cư Kuin đã được trao chứng chỉ sơ cấp nghề kỹ thuật may công nghiệp do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Tây Nguyên triển khai thực hiện. Song song với đào tạo nghề, các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng đã tư vấn, phân tích, định hướng việc làm sau đào tạo, giúp học viên nhìn nhận rõ và có lựa chọn đúng, phù hợp hoàn cảnh gia đình. Học viên H’ Cúc Pi Bdap (trú buôn H’ra Ea Hning, xã Dray Bhăng) chia sẻ: “Sau khi hoàn thành khóa học nghề kỹ thuật may công nghiệp, tôi đã có cái nghề trong tay. Cùng với sự tư vấn, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, tôi đã định hướng được con đường phát triển kinh tế phù hợp với năng lực, trình độ bản thân, cũng như điều kiện gia đình. Trước mắt, tôi sẽ tìm việc làm tại địa phương để nâng cao tay nghề, về lâu dài có thể tìm kiếm cơ hội làm việc tại các tỉnh phía Nam hoặc xuất khẩu lao động theo tư vấn của các đơn vị uy tín do chính quyền địa phương giới thiệu”.
Nguyên Hà - Phạm Thừa
Ý kiến bạn đọc