Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm bền vững

07:15, 04/12/2023

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua luôn được huyện Krông Bông quan tâm theo hướng đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững...

Lớp học nghề nấu ăn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện và UBND xã Cư Pui tổ chức vào tháng 8/2023 tại thôn Ea Lang đã hoàn thành chương trình đào tạo. 35 học viên phụ nữ dân tộc thiểu số của 5 thôn bên kia suối Ea Krông (gồm: Ea Lang, Ea Bar, Cư Tê, Cư Ral, Ea Rớt) và buôn Khanh tham gia lớp học đã được cấp chứng chỉ nghề.

Được biết, ban đầu UBND xã Cư Pui dự kiến mở lớp học nghề nấu ăn tại Nhà văn hóa xã, tuy nhiên qua tìm hiểu,  biết một số phụ nữ của 6 thôn, buôn bên kia suối Ea Krông vẫn chưa có Giấy phép lái xe nên quyết định chuyển địa điểm tổ chức lớp học về Nhà văn hóa cộng đồng thôn Ea Lang nhằm tạo điều kiện thuận lợi để học viên học tập. Sau 3 tháng học nghề, học viên của lớp học đã nắm vững kỹ thuật chế biến món ăn, trình bày món ăn. Nhiều học viên cũng đã dự tính về việc làm cho mình ngay khi khóa đào tạo nghề kết thúc.

Học viên lớp học nghề nấu ăn ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui trong buổi thực hành chế biến món ăn.

Chị Thào Thị Nhữ (dân tộc Mông) ở thôn Ea Lang học nghề nấu ăn với mong muốn ban đầu là chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho gia đình. Song giờ đây, khi đã có chứng chỉ nghề, chị Nhữ mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc của Hội Liên hiệp Phụ nữ để có vốn mở một quán ăn nhỏ, tăng thu nhập cho gia đình.

Trước đó, năm 2022, sau khi rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện, UBND xã Dang Kang mở hai lớp nghề may dân dụng cho 70 hội viên phụ nữ khó khăn của xã. Ngay khi lớp học nghề kết thúc, một số học viên mạnh dạn thành lập 3 tổ may (từ 5 - 10 chị em/tổ) chuyên nhận may gia công quần áo, áo khoác cho công ty, cửa hàng quần áo thời trang trong và ngoài tỉnh...

Đơn cử, tại tổ may của chị Lê Thị Thanh Loan (ở thôn 3), gần 2 năm qua đã tạo việc làm đều đặn cho 6 chị em trong thôn, giúp họ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống... “Năm 2022, hàng hóa đều, mỗi tháng đem lại thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng cho mỗi chị em. Năm 2023, nguồn hàng bấp bênh, thu nhập giảm chỉ còn 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, nhưng với phụ nữ nông thôn, đây là mức thu nhập ổn định, vừa có việc làm, vừa có thời gian chăm lo cho việc nhà”, chị Loan nói.

Bà Đinh Trần Thị Bích Nga, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, Krông Bông là huyện thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 45% dân số; trong đó lao động người dân tộc thiểu số lại có tâm lý ngại đi làm ăn xa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều đổi mới về nội dung, chương trình, hình thức đào tạo theo hướng hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội.

Hội viên phụ nữ xã Dang Kang làm việc tại tổ may của chị Lê Thị Thanh Loan.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDNN–GDTX huyện mở 7 lớp đào tạo nghề (35 học viên/lớp), chủ yếu là các ngành chăn nuôi, may dân dụng, nấu ăn. Đến nay, có 2 lớp học đã hoàn thành. Sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề, người lao động được cấp chứng chỉ nghề và có thể tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước để cải thiện thu nhập. Với những nỗ lực, đến thời điểm này, huyện cơ bản đạt mục tiêu của năm 2023 về giải quyết việc làm mới cho 2.540 lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 21,8% (16.274/74.650 người trong độ tuổi lao động).

Thời gian tới Phòng LĐ-TB&XH huyện tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động hiệu quả. Theo đó, sẽ mở rộng việc phối hợp với các đơn vị có chức năng đào tạo nghề để đa dạng nghề đào tạo, hình thức, nội dung, chương trình đào tạo... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đang thay đổi cả về nhu cầu tuyển dụng lẫn cơ cấu nguồn nhân lực.

Cùng với đó là tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc tại các địa phương trọng điểm phía Nam, xuất khẩu lao động; tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với lao động trên địa bàn huyện. Đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong việc hỗ trợ người lao động tiếp cận các nguồn vay ưu đãi nhằm giải quyết việc làm và duy trì việc làm. Từ đó, giúp người lao động tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.