Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số

05:07, 18/12/2023

Huyện Krông Búk có 5.569 hộ, với 24.059 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 33,12% dân số. Qua rà soát, năm 2023 địa phương có 37.108 người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên), trong đó lao động DTTS là 16.393 người.

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS được huyện tích cực triển khai thực hiện. Riêng năm 2023, địa phương đã giải quyết việc làm cho 1.517 lao động, đạt 101,1% kế hoạch; có 3.587 lao động qua đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 46,1%. Đáng ghi nhận, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 65%, cụ thể có việc làm tại địa phương chiếm 30%, có việc làm trong tỉnh 20%, có việc làm ngoài tỉnh 10%...

Đạt được kết quả trên, UBND huyện đã chủ động thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lồng ghép chương trình việc làm với các chương trình khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển KT-XH của địa phương.

Học viên lớp nghề hàn điện khóa I, năm 2023 tổ chức tại xã Cư Pơng nhận chứng chỉ học nghề.

Theo đó, các chương trình hỗ trợ, giải quyết việc làm được thực hiện thường xuyên, gắn với hoạt động như truyền thông về dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp… Hằng năm, trên cơ sở rà soát nhu cầu học nghề của người lao động ở các xã, thị trấn, UBND huyện giao Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện đưa vào kế hoạch mở lớp đào tạo nghề.

Bà Trương Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện cho biết, là địa phương thuần nông, thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do đó đơn vị tập trung đào tạo các ngành nghề chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăm sóc nấm, may dân dụng, sửa máy nông nghiệp, hàn điện… Công tác chiêu sinh, tổ chức lớp học thực hiện linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động học nghề. Năm 2023, Trung tâm phối hợp với chính quyền xã Ea Sin và Cư Né mở 2 lớp nghề hàn điện cho 70 học viên DTTS tham gia. Đa số học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng được học vào cuộc sống, góp phần cải thiện thu nhập.

 

Năm 2023, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giải ngân gần 16 tỷ đồng, giúp cho 222 lao động của huyện có việc làm, ổn định cuộc sống.

Kết thúc lớp học nghề hàn điện từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi do Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức, anh Y Sang Niê, ở buôn Dhiă 2 (xã Cư Né) chủ động xin làm việc ở cơ sở chuyên làm cửa sắt, mái vòm, nhà tiền chế tại địa phương, với tiền công 350 nghìn đồng/ngày. Anh Y Sang cho hay: "Trước đây, tôi chỉ biết làm nông, nên mong muốn học thêm cái nghề để có việc làm, thu nhập ổn định. Ở xã Cư Né, nghề hàn điện đang rất cần, tôi dự định sẽ học thêm nữa để nâng cao tay nghề, mở tiệm tại nhà".

Còn anh Y Nim Niê ở tổ dân phố Cư Plang (thị trấn Pơng Drang) đã làm nghề hàn hơn 5 năm, nhưng chỉ làm thời vụ và đi làm thuê cho một số cơ sở hàn sắt bởi không biết cách đo đạc, tính toán vật tư... Năm 2022, anh tham gia lớp học nghề hàn do Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở. Qua lớp học, anh tự tin nhận làm cửa sắt, mái vòm, hàng rào, cầu thang, lan can… trong và ngoài huyện để làm, tạo việc làm ổn định cho từ 2 - 4 lao động ở địa phương với tiền công từ 250 - 350 nghìn đồng/ngày/người.

Anh Y Sáng Niê (đội mũ) ở buôn Dhiă 2 (xã Cư Né) có việc làm ổn định sau khi học nghề hàn điện.

Ngoài đào tạo nghề, huyện Krông Búk còn chú trọng giải quyết việc làm cho lao động sau khi đào tạo nghề thông qua hoạt động tư vấn việc làm, tư vấn nghề nghiệp. Có thể kể đến việc phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2023, qua sự chắp nối này đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các tỉnh phía Nam và xuất khẩu lao động. Nhờ đó, người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Trần Minh Trân thẳng thắn nhìn nhận: Sau khi học nghề, một số người lao động của địa phương vẫn tự ti, chưa mạnh dạn vận dụng kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào phát triển sản xuất - kinh doanh, chưa kể một số lao động có tâm lý ngại học. Một vài ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, chủ sản xuất, kinh doanh; đào tạo nghề chưa có sự kết nối giữa doanh nghiệp tuyển dụng, đơn vị đào tạo và người lao động.

Để tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động DTTS trong thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp cho người lao động, với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động DTTS vận dụng kiến thức, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các nguồn vốn để từng bước phát triển nghề, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.