Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

07:11, 14/12/2023

Với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã hội, việc thực hiện bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Krông Búk đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến về nhận thức cũng như hành động; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phát huy vai trò tổ truyền thông cộng đồng

Xã Cư Pơng có trên 50% hộ dân là người DTTS, trong đời sống đồng bào các dân tộc vẫn còn tồn tại những phong tục tập quán, tín ngưỡng, hủ tục lâu đời như: tình trạng kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi; trẻ em tham gia lao động sớm; mất cân bằng giới tính khi sinh... Điều này đã gây cản trở sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em các dân tộc cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của địa phương.

Để giải quyết các vấn đề trên, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã triển khai thành lập tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) tại 3 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã với lực lượng nòng cốt là trưởng buôn, đại diện các tổ chức, đoàn thể và người có uy tín của buôn... Đây là những người gần dân, hiểu dân, được nhân dân tin tưởng nên việc tuyên truyền, vận động đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Các thành viên tổ truyền thông cộng đồng các buôn của xã Cư Pơng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động.

Thông qua các buổi họp dân, các thành viên trong tổ đã tuyên truyền đến người dân các nội dung: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em... Đặc biệt luôn sâu sát với cuộc sống người dân để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết và ngăn chặn kịp thời, không để những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Đơn cử như các thành viên trong Tổ TTCĐ buôn Khal đã kịp thời ngăn chặn một vụ việc kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định. Cụ thể, sau khi nắm bắt thông tin, được biết trên địa bàn buôn có một thanh niên là Y.T.K. chưa đủ 18 tuổi đang có quan hệ tình cảm với em H.B.D. chưa đủ 16 tuổi (ở buôn Ea Túk) và có ý định tổ chức đám cưới, anh Y Hoh Niê (Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Khal) và các thành viên trong tổ đã đến gặp gỡ Y.T.K. và gia đình để giải thích quy định độ tuổi kết hôn cũng như ngăn chặn việc kết hôn sớm. Anh Y Hoh Niê bày tỏ: “Quá trình trao đổi với gia đình, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi người lớn không những không khuyên răn con cái mà còn thúc giục con lập gia đình sớm. Vì thế, chúng tôi phải năm lần bảy lượt đến vận động mới có kết quả. Bây giờ, hai em này vẫn qua lại nhưng đã đồng ý chờ đến khi đủ tuổi mới kết hôn”.

 

“Triển khai Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, huyện Krông Búk đã thành lập được 18 tổ TTCĐ tại 5 xã với tổng số gần 100 thành viên. Đây là đội ngũ tuyên truyền viên đưa chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đến đồng bào DTTS rất hiệu quả, cụ thể và thiết thực” - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Búk Y Tiêm Niê.

Tổ TTCĐ buôn Kđoh cũng đã kịp thời hòa giải nhiều vụ việc liên quan như mâu thuẫn gia đình dẫn đến việc vợ chồng đòi ly hôn, uống rượu gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình... Theo ông Y Buil Ayun (Bí thư Chi bộ buôn Kđoh), trước đây, trung bình mỗi năm Ban tự quản buôn phải báo cáo lên chính quyền địa phương không dưới 10 vụ việc liên quan đến bình đẳng giới, an ninh trật tự. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động và giải thích pháp luật liên quan nên hai năm trở lại đây số vụ việc đã giảm đáng kể; bà con nhân dân đã biết lo lắng làm ăn, đàn ông biết giúp đỡ vợ, chăm sóc con cái cũng như công việc gia đình.

Chuyển biến tích cực về nhận thức

Huyện Krông Búk có 5.569 hộ đồng bào DTTS với 24.059 khẩu, chiếm 33,12% tổng số dân trên toàn huyện. Tổng số hộ nghèo DTTS là 806 hộ, 3.738 khẩu, chiếm 62,24% so với tổng số hộ nghèo của huyện. Thực hiện chính sách bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS, những năm qua huyện Krông Búk đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của từng vùng. Cụ thể, địa phương đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến pháp luật bình đẳng giới đến các cán bộ, đảng viên, thành viên các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội; lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch phát triển của huyện, cụ thể như: Giải quyết việc làm, giảm nghèo, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác khuyến nông - khuyến lâm...

Người dân buôn Khal thay đổi nếp nghĩ, chú trọng phát triển kinh tế gia đình.

Qua đó, việc thực hiện bình đẳng giới vùng DTTS đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị; vai trò của phụ nữ ngày càng được phát huy, nâng cao, các tầng lớp phụ nữ đã có nhiều cơ hội tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương; nhận thức xã hội về hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS được nâng lên, địa vị người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội ngày càng được tôn trọng, khẳng định; tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ trong việc tham gia và thụ hưởng các thành quả của sự phát triển. Không chỉ thế, phụ nữ được tiếp cận nhiều về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các nguồn lực để tạo việc làm có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống gia đình.

Bà H Bình Kbuôr, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cư Pơng chia sẻ, thông qua các đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, bà con vùng đồng bào DTTS đã chủ động nắm bắt, sàng lọc để tiếp nhận thông tin, nhất là trong pháp luật liên quan đến bình đẳng giới; góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc