Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk: Nhiều giải pháp "kích hoạt" xuất khẩu lao động

17:06, 16/12/2023

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không phải là thế mạnh của huyện M’Drắk, nhưng đa phần những hộ gia đình có người thân ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng kinh tế đều khấm khá.

Gia đình bà Phạm Thị Hoa, ở thôn 5 (xã Ea Riêng) là một trong những hộ khá giả ở địa phương nhờ khoản tiền của 3 người con đã và đang XKLĐ tại Nhật Bản gửi về. 

Bà Hoa trò chuyện, vào thời điểm năm 2014, với người dân ở xã nghèo Ea Riêng, XKLĐ còn khá mới mẽ. Cả xã hiếm hoi lắm cũng chỉ có một vài nhà có người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Một phần do tâm lý ngại xa gia đình đến một đất nước xa xôi làm việc đến những 3 năm mới về, mặt khác chi phí để tham gia xuất khẩu quá lớn. Nhưng trước quyết tâm của hai con trai muốn đi XKLĐ, với hy vọng, hết thời gian làm việc theo hợp đồng sẽ có một khoản tiền tiết kiệm đủ lớn để về lập nghiệp, bà Hoa cũng ráng...

Không đợi quá lâu, chỉ sau 2 năm đi XKLĐ, hai con trai của bà Hoa đã gửi tiền về cho mẹ trả hết số nợ đã mượn để xây dựng căn nhà khoảng 700 triệu đồng trước đó. Năm 2018, con gái út của bà Hoa là chị Vũ Thị Kim Anh (SN 1995) cũng xin mẹ đi XKLĐ ở Nhật Bản. Hiện đang đang làm việc tại một công ty điện tử, với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng. “Cuối năm 2024, con gái út hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Nhật Bản. Sau khi về nước, cháu có ý định tiếp tục làm hồ sơ đi XKLĐ ở một thị trường lao động khác”, bà Hoa cho hay.

Tương tự, vào đầu năm 2023 vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Hoàng và chị Nguyễn Tú Anh ở thôn 6 (xã Ea Lai) cũng xây dựng căn nhà khang trang trị giá gần 1 tỷ đồng từ tiền tiết kiệm anh Hoàng đi XKLĐ tại Nhật Bản gửi về.

Căn nhà mới xây của gia đình
Căn nhà mới xây của gia đình anh Nguyễn Sỹ Hoàng và chị Nguyễn Tú Anh ở thôn 6 (xã Ea Lai) nhờ tiền tiết kiệm tham gia xuất khẩu lao động.

Chị Tú Anh cho biết, năm 2018 gia đình đón thêm thành viên mới. Cả gia đình với 4 thành viên chỉ biết trông chờ vào việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định của chồng nên khi có doanh nghiệp về địa phương tuyển dụng lao động phổ thông sang Nhật làm việc. Hai vợ chồng bàn bạc, thống nhất để anh Hoàng ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Giờ đây, mới thấy quyết định của mình là đúng đắn. Ngoài tiết kiệm xây được căn nhà, chúng tôi còn tích cóp được ít vốn và có kế hoạch kinh doanh nhỏ sau khi chồng hết thời hạn làm việc về.

Thấy kinh tế của gia đình anh trai dần khấm khá nhờ XKLĐ, em trai của anh Hoàng là anh Nguyễn Sỹ Hồ cũng sang Nhật Bản làm việc. Năm 2022, anh Hồ về nước sau khi hết thời hạn làm việc, với số tiền tiết kiệm được từ XKLĐ, hai vợ chồng anh vào TP. Hồ Chí Minh mở một tiệm chăm sóc sắc đẹp. Cũng trong năm 2022, người em trai Nguyễn Sỹ Cường cũng “nối gót” các anh đi XKLĐ Nhật Bản với mức thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Sỹ Hoàng
Anh Nguyễn Sỹ Hoàng ở thôn 6 (xã Ea Lai,) hiện đang làm việc tại Nhật Bản. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Không chỉ có 3 anh em nhà anh Hồ Sỹ Hoàng, hiện tại xã Ea Lai có hơn 50 lao động đi XKLĐ tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Ông Võ Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã thông tin, 3 năm trở lại đây, công tác XKLĐ ở địa phương đã có chuyển biến. Nhiều lao động lựa chọn con đường XKLĐ như một cách khởi nghiệp bước đầu. Song công tác tuyển dụng lao động ra nước ngoài làm việc còn gặp rất nhiều khó khăn dẫu chính quyền địa phương đã vào cuộc tích cực.

"Qua đội ngũ cán bộ thôn buôn, các tổ chức đoàn thể, chúng tôi nắm bắt được, người dân ngại học tiếng của nước sở tại, ngại đi làm xa. Một số lao động khác lại sợ không trả được khoản tiền vay để lo các khoản chi phí tham gia XKLĐ; hay nếu sau khi học xong tiếng, nhưng không trúng tuyển thì mất khoản tiền đầu tư đã học, nên nhiều lao động chưa mạnh dạn đăng ký tham gia ngay cả khi được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước”, ông Nhân phân tích. 

Những khó khăn, "nút thắt" trong công tác XKLĐ của xã Ea Lai cũng là tình hình chung ở huyện M’Drắk. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện, trong 3 năm trở lại đây toàn huyện chỉ có 136 lao động đi XKLĐ, trong đó có 11 lao động là người dân tộc thiểu số. Kết quả này khá khiêm tốn, trong khi đó dư địa về XKLD tại địa phương khá lớn. 

Doanh nghiệp tư vấn thị trường
Người dân xã Cư M'ta tìm hiểu về thị trường xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TBXH huyện tổ chức vào ngày 26/11 vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Phôi, Phó Trưởng Phòng LĐ-TBXH cho biết, để đẩy mạnh công tác XKLĐ trong thời gian tới, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn sát sao hơn trong tuyên truyền, tư vấn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành; đồng thời nâng cao ý thức tự lực, tự vươn lên của người lao động để giảm nghèo bền vững.

Phòng LĐ-TBXH huyện sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả, thực trạng công tác XKLĐ trên địa bàn, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để gỡ nút thắt về chi phí tham gia XKLĐ.

Với cách làm này sẽ tạo đà và khuyến khích thêm nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

 

Hoàng Ân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.