Multimedia Đọc Báo in

"Khoác áo mới" cho đô thị Buôn Ma Thuột

07:31, 24/12/2023

Nhằm xây dựng hình ảnh ấn tượng đặc biệt về một đô thị "Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp", thời gian qua, TP. Buôn Ma Thuột đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai những cách làm hay trong công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp vỉa hè các tuyến phố.

Nhà nước và nhân dân cùng làm đẹp đường phố

Ngày 20/7/2022, HĐND TP. Buôn Ma Thuột ban hành Nghị quyết số 47/NQ-HĐND về việc thí điểm phương án đầu tư chỉnh trang vỉa hè một số tuyến phố theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Theo đó, thành phố vận động nhân dân các phường trung tâm đóng góp kinh phí với tỷ lệ 30% và ngân sách thành phố 70% để chỉnh trang vỉa hè.

Vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột) khang trang hơn sau khi được lát đá. Ảnh: Hoàng Gia

Phường Thống Nhất là một trong những địa bàn được TP. Buôn Ma Thuột chọn làm thí điểm. Bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, trên địa bàn phường đang triển khai Dự án lát đá vỉa hè đường Phan Bội Châu (đoạn từ đường Y Jút đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hơn 2,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 708 triệu đồng và Dự án lát đá vỉa hè đường Nơ Trang Long (từ đường Hai Bà Trưng đến đường Y Jút và từ đường Điện Biên Phủ đến đường Lê Hồng Phong) và đường Y Jút (từ đường Hoàng Diệu đến đường Phan Bội Châu), tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hơn 1,7 tỷ đồng, còn lại do người dân đóng góp.

 

“Nâng cấp, chỉnh trang đô thị nhằm mục tiêu hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà phát triển du lịch, cải thiện môi trường, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân” - ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.

Để các dự án được thực hiện hiệu quả, trước khi triển khai, địa phương tiến hành họp dân xin ý kiến, thống nhất chủ trương xã hội hóa, trong đó, người dân đóng góp 30% kinh phí. Sau đó, khi người dân thông qua thiết kế công trình rồi địa phương mới đo đạc diện tích và thông báo cụ thể đến từng gia đình. Chỉ những hộ dân mặt tiền các tuyến phố phải đóng góp kinh phí (hộ khó khăn được linh động đóng nhiều lần), những hộ ở trong hẻm thì được miễn. Trong quá trình thi công, chính quyền địa phương theo dõi sát sao, phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu thi công nhanh gọn theo hình thức cuốn chiếu để không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, đặc biệt là những hộ kinh doanh, buôn bán.

Gia đình ông Lê Hồng Hạnh sinh sống ở mặt tiền đường Phan Bội Châu (đoạn từ đường Y Jút đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh). Với diện tích vỉa hè trước nhà mình hơn 16 m2, ông đã đóng góp gần 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông tham gia cùng tổ giám sát cộng đồng thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên để công trình thi công đúng thiết kế, bảo đảm chất lượng. Ông Hạnh chia sẻ, Nhà nước và nhân dân cùng chỉnh trang đô thị, nâng cấp vỉa hè là chủ trương đúng đắn nên người dân rất đồng thuận và hưởng ứng tích cực. Vỉa hè các tuyến phố được nâng cấp thì diện mạo đô thị của thành phố sẽ khang trang hơn và người dân cũng được hưởng lợi, kinh doanh, buôn bán thuận lợi hơn, kể cả ban đêm.

UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, địa phương đã giao nhiệm vụ cho UBND các phường trung tâm tiến hành rà soát và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định và xem xét phê duyệt. Hiện nay, HĐND thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-HĐND, ngày 2/11/2022 và Nghị quyết số 58/NQ-HĐND, ngày 28/12/2022 phê duyệt các dự án thí điểm phương án đầu tư chỉnh trang vỉa hè một số tuyến theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đến nay, toàn thành phố thực hiện được 9 dự án lát đá vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn các phường Tân Tiến, Thắng Lợi và Thống Nhất, với tổng kinh phí hơn 36,7 tỷ đồng.

Thi công cải tạo vỉa hè trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). 

Tập trung nguồn lực chỉnh trang đô thị

TP. Buôn Ma Thuột cũng đã thực hiện chỉnh trang đô thị theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 29/12/2021 của HĐND thành phố về việc quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng ngân sách thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, trên địa bàn đã triển khai sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè các tuyến phố trung tâm và một số khu vực công viên, hoa viên, với tổng diện tích khoảng 88.460 m2, tổng vốn đầu tư 174,7 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022, thành phố tiến hành cải tạo vỉa hè một số đoạn trên đường Bà Triệu, Lê Thánh Tông, Trường Chinh, Trần Hưng Đạo (kinh phí gần 12,9 tỷ đồng); Tiểu hoa viên cây xanh điểm dân cư trung tâm khu dân cư km 4-5, phường Tân An (hơn 3,5 tỷ đồng); Tiểu hoa viên cây xanh khu dân cư đầu đường Tôn Đức Thắng - Ngô Gia Tự (gần 3,5 tỷ đồng). Năm 2023, thành phố đầu tư gần 75 tỷ đồng ngầm hóa hệ thống điện và lát đá vỉa hè tuyến đường Nguyễn Tất Thành; đầu tư 43 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng đô thị, vỉa hè, cây xanh một số tuyến đường trung tâm thành phố.

Hiện nay đang tiếp tục thực hiện cải tạo, chỉnh trang và làm mới một số công viên, hoa viên trên địa bàn như: Công viên Nguyễn Tất Thành, Công viên Phù Đổng...

Cùng với ngân sách địa phương, các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện khu vực trung tâm thành phố cũng hưởng ứng cải tạo lại vỉa hè xung quanh trụ sở bằng vật liệu đá tự nhiên, góp phần tạo điểm nhấn và làm cho bộ mặt đô thị trở nên khang trang, sạch đẹp hơn.

Bộ mặt TP. Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang hơn sau khi được lát đá vỉa hè. 

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật cho biết, thực hiện xây dựng TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị, thành phố đã và đang chú trọng thực hiện đầu tư, cải tạo các công trình công cộng, công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, vỉa hè các tuyến đường khu vực trung tâm. Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị, kết hợp với số hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ quản lý đô thị thông minh; cải tạo, xây dựng mới các công viên, hoa viên… để xây dựng thành phố theo hướng "Thông minh – Sinh thái – Bản sắc".

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.