Multimedia Đọc Báo in

Ước mơ đến trường của bé gái 11 tuổi có mẹ bị ung thư

07:14, 04/12/2023

Vì cuộc sống khó khăn, bố đi theo vợ mới, mẹ mắc căn bệnh ung thư xương đã di căn, bé gái Nguyễn Thị Thảo (11 tuổi, trú buôn Êcăm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đành phải nghỉ học để phụ bà ngoại việc nhà và chăm sóc mẹ.

Từ một người khỏe mạnh, hoạt bát, là trụ cột chính trong gia đình, chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1986) mất hoàn toàn khả năng lao động vì căn bệnh ung thư xương. Hoàn cảnh khó khăn nên lâu nay vợ chồng chị Ngọc và ba đứa con vẫn phải thuê phòng trọ ở.

Cách đây hai năm, khi thấy chân đau, chị đi khám mới biết mình mắc căn bệnh ung thư xương đã di căn. Khó chồng khó, không có đất đai sản xuất, mọi sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình và tiền ăn học của con cái trước đây chỉ trông chờ vào tiền công làm thuê của hai vợ chồng.

Thế nhưng, khi vợ mắc căn bệnh ung thư, người chồng đã theo người mới, chị Ngọc đành về nương nhờ vào mẹ già năm nay đã 70 tuổi. Con trai đầu 15 tuổi cũng nghỉ học vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê, con út 7 tuổi đang ở với bố. Còn Thảo là con thứ hai, kể từ ngày bố có vợ mới, mẹ lại mắc bệnh hiểm nghèo không đi lại được nên Thảo cũng nghỉ học về ở với ngoại để tiện bề chăm sóc mẹ.

Chị Ngọc bộc bạch, hai năm nay chị phải nằm một chỗ vì bệnh ung thư xương. Không còn khả năng lao động đã đành, mọi sinh hoạt hằng ngày chỉ trông chờ mẹ già 70 tuổi và con gái 11 tuổi. Mỗi tháng chị vào Bệnh viện Chợ Rẫy khám, điều trị đủ thứ chi phí phải lo. Năm đầu, thương con gái, mẹ chị đã phải bán một mảnh đất để có tiền thuốc thang, điều trị cho con. Mỗi chuyến đi, riêng chi phí thuê taxi đã tốn mấy triệu đồng (do chị không ngồi được nên phải thuê taxi để vào TP. Hồ Chí Minh). Nhiều lúc thấy bản thân là gánh nặng cho mẹ già, cũng vì mình mà con thơ phải bỏ học giữa chừng chị chỉ muốn quyên sinh.

Vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ bị mắc bệnh ung thư, em Nguyễn Thị Thảo phải nghỉ học giữa chừng.

Dáng người nhỏ thó, làn da đen ngăm vì ngày ngày theo bà đi ruộng, đi rẫy mót lúa, mót cà phê, bé Thảo thỏ thẻ: “Con muốn đi học để được gặp thầy cô, bạn bè lắm nhưng nhà ngoại nghèo, mẹ lại bị bệnh nặng, giờ con đến lớp thì ai chăm sóc mẹ, tiền đâu để ngoại đóng tiền học cho con…”. Nói đến đó giọng Thảo nấc nghẹn phần vì tủi thân không được đến trường như các bạn cùng trang lứa, phần vì thương mẹ, thương bà. Ngày nào mẹ đỡ đau, Thảo lại cùng bà đến các rẫy để mót cà phê về bán kiếm tiền đong gạo, mua thức ăn, bữa nào bệnh của mẹ trở nặng, Thảo ở nhà để nắn bóp chân cho mẹ và phụ ngoại việc nhà.

Bà Phạm Thị Gấm (mẹ chị Ngọc, bà ngoại bé Thảo) chia sẻ, tuổi bà đã già, không biết sống chết thế nào, giờ chỉ mong có phép màu để con gái vượt qua bệnh hiểm nghèo và cháu Thảo được trở lại trường học. Giờ Thảo còn nhỏ quá, nghỉ học sớm sau này cuộc sống của cháu lại cơ cực, bà rất lo rồi đến một ngày không còn bà, không còn mẹ tương lai của Thảo sẽ về đâu.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.