Multimedia Đọc Báo in

“Dân cà” ăn Tết với... cà phê

09:04, 28/01/2024

Có người nói, nếu như một số tỉnh đồng bằng Nam Bộ, bay Bắc Bộ ăn Tết với… cây lúa, thì với Tây Nguyên, người dân ăn Tết với… cà phê. Ngẫm điều đó có lý vì đời sống thường nhật mỗi vùng miền đều ít nhiều phụ thuộc vào sản phẩm mà người ta làm ra được để sống quanh năm. Dân ở xứ cao nguyên này cũng vậy, dễ nhận ra điều đó qua mỗi niên vụ cà phê.

Giá cà phê lên thì đời sống lên và ngược lại; hay nói cách khác, giá cà phê ở đây phản ánh chính xác sự lên xuống của đời sống người dân từng ngày. Với dịp Tết thì nhịp điệu kia càng thể hiện rõ và vô cùng sinh động, nhất là khi nhìn “dân cà” mua sắm đúng vào thời điểm kết thúc mùa vụ thu hoạch trong năm, tầm từ Lễ Noel đến giáp Tết cổ truyền. Năm nay cà phê được giá (có thời điểm lên tới hơn 70 nghìn đồng/ký nhân xô) nên người làm cà phê Tây Nguyên có điều kiện “vung tay” mua sắm nhiều hơn mọi năm.

Ở Đắk Lắk, vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” của cà phê nên người dân chi tiêu mạnh khi cà phê được giá. Nhìn vào những thứ mà họ mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này hút nhất vẫn là vàng và tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Còn những mặt hàng rượu, bia, bánh kẹo… thì cửa hàng nào trên địa bàn Đắk Lắk mà không tích trữ khối lượng lớn để phục vụ “dân cà” trong mấy ngày xuân. Hơn thế, nhiều mặt hàng điện máy (ti vi, tủ lạnh, máy giặt, dàn nhạc karaoke…) vào dịp cuối năm nay có sức hút lạ thường. Cũng dễ hiểu thôi, bởi giá cà phê đang “đỉnh” nhất trong vòng ba chục năm qua.

Người dân xã Ea Tân (huyện Krông Năng) trong niềm vui cà phê được mùa được giá. Ảnh: Khả Lê

Có thể nói, không nơi nào có đời sống sản xuất, tiêu thụ, thưởng thức cà phê lại sinh động và có sức lan tỏa sâu đậm trong cộng đồng, xã hội như ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ở đó, nhịp sống của hàng triệu nông hộ trồng cà phê ở luôn gắn bó và chịu sự chi phối từ chuỗi giá trị gia tăng của loại cây trồng đặc sản ấy. Họ sống và “ăn nằm” với cà phê qua những thăng trầm trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, chế biến và tiêu thụ hằng năm từ mặt hàng được xem là chiến lược này. Tuy nhiên, theo nhiều người làm cà phê hiện nay nhìn nhận: Giá cà phê niên vụ này đạt “đỉnh”, nhờ vậy đời sống của người dân có phần khởi sắc, nhưng chưa hẳn đã bền vững vì giá cả vẫn trong tình trạng thất thường. Dù cà phê đang lấy lại ngôi vị “hoàng kim”, nhưng việc đầu tư cho vườn cây không phải ai cũng chú trọng. Tâm lý chung là họ đầu tư chừng mực, một phần do vật tư đầu vào (phân bón, điện, nước, công làm) khá đắt đỏ; phần còn lo những niên vụ tới, liệu giá cả có được như hiện tại hay không?

Năm nay “dân cà” ăn Tết hẳn là đủ đầy và sung túc. Duy có điều, không biết người làm cà phê cũng như những cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan có quan tâm hay không - rằng niềm vui ấy làm sao phải được tiếp tục kéo dài và bền vững thì người nông dân, cũng như người lao động trong chuỗi ngành hàng quan trọng này mới thật sự yên tâm đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu nhằm khẳng định lại ngôi vị cho cây cà phê như thuở trước .

Tâm tư của “dân cà” được ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ: Phải thừa nhận rằng, cà phê thật sự đóng vai trò, sứ mệnh quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong nhiều năm qua. Song, đến nay điều đó có phần hạn chế và hơn thế là đang mất dần vị thế trong bức tranh nông nghiệp ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung do cạnh tranh với nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế hấp dẫn hơn. Ông Minh cũng như cộng đồng làm cà phê ở đây hy vọng, với đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam theo phương châm: “Năng suất - Chất lượng - Giá trị - Gia tăng”, đến năm 2030 sẽ mở ra điều kiện, cơ hội cho loại cây trồng đặc sản này trở lại vị thế vốn có với mục tiêu đặt ra là hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt khoảng 6 tỷ USD. Theo đó, đề án cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết là chú trọng nâng cao đời sống cho người trồng cà phê cũng như “hệ sinh thái” liên quan đến loại cây trồng chiến lược này cho vùng trọng điểm Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk đang đóng vai trò là “thủ phủ” cà phê Việt Nam.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.