Hạnh phúc... nhìn từ những con số
Có thể khẳng định, hạnh phúc là mục tiêu cơ bản mà con người hướng tới dù ở bất cứ quốc gia nào. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã công nhận mục tiêu này và kêu gọi cách tiếp cận toàn diện, công bằng và cân bằng hơn đối với tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy hạnh phúc và phúc lợi của tất cả mọi người.
Để hướng đến đích “hạnh phúc”, Liên hiệp quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh của chúng ta - ba khía cạnh chính dẫn đến hạnh phúc và thịnh vượng.
Đây là mục tiêu để các quốc gia nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao phúc lợi người dân trong những giai đoạn tiếp theo. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song song với việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế, năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó có nhiều chỉ số đã tăng vượt bậc so với năm trước.
Đặc biệt, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới của Liên hiệp quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đây là một minh chứng rõ nét cho thấy, cuộc sống của người dân Việt Nam đang được cải thiện và hạnh phúc hơn trước.
Nhiều người dân xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) được đào tạo nghề xây dựng dân dụng. |
Báo cáo Hạnh phúc thế giới là một ấn phẩm của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (Liên hiệp quốc) dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia. Các tiêu chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng. Những tiêu chí này của Việt Nam trong năm 2023 đều có sự tiến bộ rõ nét. Cụ thể: toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Điều này thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đó là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Bởi năm vừa qua, cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Thách thức đến từ hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài và từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Hơn nữa xung đột Nga - Ukraina và tại dải Gaza diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Tổng giá trị của các chính sách này lên đến gần 200 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những quyết sách “cần” để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành, địa phương không ngừng đẩy mạnh. Nhờ đó, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Minh chứng là năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động cả nước tăng 6,9%; số hộ có thu nhập ổn định và tăng lên tăng 8,6% so với năm 2022. Đặc biệt, công tác giảm nghèo và lĩnh vực lao động, việc làm của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng và được quốc tế đánh giá cao. Cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%. Ngoài ra, các chính sách, chế độ hỗ trợ cho người lao động, nhất là lao động bị mất việc, giảm giờ làm được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
Những con số "biết nói" trên không chỉ thể hiện sự nỗ lực của cả nước nhằm hướng đến mục tiêu đem lại hạnh phúc cho người dân mà còn là động lực để các ngành, các cấp, địa phương phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc