Khi người lầm lỡ được trao niềm tin
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (gọi tắt là Quyết định 22) có hiệu lực từ tháng 10/2023.
Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Đắk Lắk đã giải ngân nguồn vốn ưu đãi trên cho 90 người chấp hành xong án phạt tù để phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng, với số tiền giải ngân lên đến 6,1 tỷ đồng, trong đó có 22 người được vay tối đa 100 triệu đồng.
Bà Trần Thị Thắm, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, xác định việc giải ngân nguồn vốn chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ giúp họ có điều kiện phát huy năng lực lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần phòng ngừa, duy trì an ninh trật tự của địa phương nên đơn vị đã phối hợp với công an các xã rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của những người thuộc diện thụ hưởng; trực tiếp đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh thực tế để xét duyệt vay vốn và giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích. Hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đang xây dựng đề án nguồn vốn để tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng này.
Thực tế triển khai bước đầu cho thấy, nhờ được hỗ trợ, nhiều người lầm lỡ đã vượt qua mặc cảm, tự ti, nỗ lực làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình chăn nuôi hươu sao lấy nhung của anh Vi Văn Chiến (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) bắt đầu phát huy hiệu quả. |
Đơn cử như anh Vi Văn Chiến (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), sau khi mãn hạn tù trở về, do không có nghề nghiệp ổn định, chỉ có thể đi làm thuê nên cuộc sống bấp bênh. Cuối tháng 10/2023, nhờ công an, chính quyền địa phương giới thiệu, anh Chiến được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn cho vay 60 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Từ số vốn trên, anh đã mua 3 con hươu sao nuôi để lấy nhung, tận dụng phân bón của vật nuôi cho khu vườn nhỏ của gia đình. Hiện nay, mô hình nuôi hươu lấy nhung của anh Chiến bắt đầu thu được kết quả khả quan, vừa qua gia đình anh đã bán được cặp nhung hươu đầu tiên có giá là 18 triệu đồng. Kinh tế dần ổn định đã tiếp thêm động lực để anh vươn lên trong cuộc sống.
Anh Y Nê Knul (buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là người đầu tiên trên địa bàn huyện Buôn Đôn được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn theo Quyết định 22. Anh Y Nê cho biết, tháng 4/2021, anh trở về địa phương sau gần 3 năm chấp hành án. Lúc ấy anh cảm thấy mặc cảm, tự ti và không có vốn để phát triển kinh tế. Đầu tháng 10/2023, được Ngân hàng CSXH huyện Buôn Đôn tạo điều kiện cho vay 60 triệu đồng, anh bàn bạc với vợ dùng số tiền được vay để cải tạo hơn 5 ha đất của gia đình trồng sắn và mua thêm 4 con bò phát triển kinh tế. Nhờ sự cố gắng, chăm chỉ của bản thân, vừa qua, gia đình đã thu về hơn 300 triệu đồng tiền bán sắn và hơn 4 tấn lúa. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh trở nên khấm khá hơn, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.
Giang Nga
Ý kiến bạn đọc