Multimedia Đọc Báo in

Làm đẹp cảnh quan nhờ những tuyến đường hoa

10:08, 23/01/2024

Nhiều lề đường bê tông phủ đầy cỏ dại ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) nay đã được thay thế bằng những hàng cây xanh thẳng tắp cùng với những khóm hoa rực rỡ khoe sắc màu.

Đó là kết quả của việc triển khai mô hình tuyến đường hoa, cây xanh do UBND thị trấn Krông Kmar triển khai từ năm 2021 nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng các tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp. Với phương châm “Vì lợi ích của dân, thực hiện bằng sức dân và do dân tự quản”, UBND thị trấn đã vận động người dân mua giống hoa, cây xanh trồng và chăm sóc trên phần đất nhà mình và dọc hai bên đường. Khi mới triển khai thực hiện mô hình, địa phương chỉ thí điểm tại một vài tuyến đường tại hai khu dân cư thuộc tổ dân phố (TDP) 1 và TDP 7, bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực.

Người dân tổ dân phố 7 (thị trấn Krông Kmar) trồng hoa hoàng yến dọc bên đường dẫn vào khu dân cư.

Bà Lê Thị Phi Yến, Trưởng Ban công tác Mặt trận TDP 7 cho biết, ban đầu TDP chỉ chọn trồng hoa và cây xanh dọc hai tuyến đường Hồ Xuân Hương và Tản Đà, với chiều dài khoảng 1 km. TDP đã vận động người dân phát dọn cỏ, xới đất để trồng các loại hoa, cây xanh trước cửa ngõ như hoa hồng, hoa cánh bướm, hoa giấy...  Ngoài ra, các hộ dân còn tự nguyện đóng góp kinh phí để mua 60 cây hoa hoàng yến trồng tại những khu vực không có gia đình nào sinh sống.

 

“Từ khi có những con đường hoa, cây xanh, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã nâng lên rõ rệt. Hiện, toàn thị trấn đã có 5 tuyến đường hoa, cây xanh, với tổng chiều dài 6 km. Trong năm nay, địa phương sẽ phấn đấu xây dựng thêm khoảng 2 km đường hoa, cây xanh nữa” - ông Nguyễn Hữu Phương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar.

Để cây phát triển xanh tốt, các hộ dân chia thành nhiều tổ luân phiên làm cỏ, cắt tỉa và tưới nước thường xuyên. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, sau một năm, cây đã ra hoa với sắc vàng rực rỡ, làm đẹp cảnh quan và không gian sống chung quanh.

“Đến nay, việc trồng, chăm sóc hoa, cây xanh đã trở thành thói quen hằng ngày của người dân. Người trồng trước hướng dẫn cho người trồng sau. Hộ trồng rồi tuyên truyền cho các hộ lân cận trồng theo. Nhờ vậy, mô hình tuyến đường hoa, cây xanh tiếp tục được nối dài. Dự kiến, trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai cho người dân nhân rộng mô hình đường hoa, cây xanh đến những tuyến đường khác như 30/4, Ama Pui…”, bà Yến chia sẻ.

Cùng với việc triển khai tại các tuyến đường trong khu dân cư, UBND thị trấn tiếp tục phát triển mô hình tại những khu vực công cộng nhằm tôn tạo cảnh quan môi trường. Điển hình là đoạn đường bờ kè dọc sông Krông Kmar (thuộc TDP 7), dài khoảng 600 m.

Giữa năm 2022, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, UBND thị trấn đã mua 300 cây hoa sim, hoa hoàng yến, cây sao để trồng tại khu vực bờ kè và đầu tư hệ thống máy bơm, đường ống để tưới cây trong mùa nắng nóng.

Trong quá trình “đổi mới” tuyến đường, địa phương đã huy động mọi người dân tham gia phát dọn mặt bằng, trồng, chăm sóc cây. Bên cạnh đó, UBND thị trấn cũng đã tiến hành trồng hoa giấy tại các bồn cây xanh ở những trục đường chính của trung tâm thị trấn để hạn chế cỏ dại mọc um tùm và tình trạng người dân bỏ rác bừa bãi trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị.

Người dân tổ dân phố 7 (thị trấn Krông Kmar) chăm sóc hoa trồng trước nhà.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Krông Kmar Nguyễn Hữu Phương cho biết, việc xây dựng mô hình tuyến đường hoa, cây xanh là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thị trấn. Sau gần ba năm triển khai thực hiện, mô hình đã tạo được sự lan tỏa và nhận sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của đông đảo nhân dân. Ban đầu mô hình chỉ được thực hiện thí điểm ở một vài tuyến đường ngắn thì nay đã nhân rộng ra nhiều tuyến đường khác trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân; từng bước đưa công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường vào quy củ.

Mai Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.