Multimedia Đọc Báo in

Nghề làm chổi đót của người Bru - Vân Kiều

08:35, 30/01/2024

Kế thừa cách làm chổi đót truyền thống của cha ông, nhiều người Bru – Vân Kiều ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở đây để cải thiện đời sống gia đình.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ cận Tết, ông Ai Mấy (buôn Tà Rầu) lại tất bật làm chổi để kịp giao cho khách. Tay thoăn thoắt xâu sợi mây buộc vào những lọn bông đót, ông khoe: “Làm chổi theo cách của người Bru – Vân Kiều vừa bền, vừa đẹp, có thể dùng được cả năm. Vì thế, mấy năm nay chổi làm đến đâu, bạn hàng lấy đến đó, rất ít khi còn dư để bán dạo như trước kia”.

Ông Ai Mấy cần mẫn bó chổi để kịp giao cho khách.

Để có nguyên liệu làm chổi, bà con các buôn Bru – Vân Kiều ở xã Ea Hiu thường tập trung đi lấy bông đót từ đầu tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Bông đót được phơi, trở cho thật khô rồi buộc thành từng bó to để cất trữ. Khi nào dùng mới tước phần ngọn đót thành những nhánh nhỏ rồi bó thành đầu chổi. Bà con cũng không dùng thân đót làm cán chổi như người miền xuôi mà chọn những đoạn le già, chắc, thẳng, còn giữ lại một nhánh nhỏ ở phần gốc, cắt tỉa gọn gàng để làm cán có sẵn móc treo. Cả bông đót và cán le, bà con thường chặt trên các quả đồi ở Tân Tiến, Ea Yiêng, cách nơi ở cả chục kilômét. Riêng dây mây, những người đàn ông khỏe mạnh phải đi ba, bốn mươi cây số, đến tận vùng Ea Ô, Ea Păl (huyện Ea Kar) mới tìm thấy, chặt mang về gác lên bếp để dành.

Theo lời ông Ai Mấy, người Bru - Vân Kiều có đến ba cách bện chổi là đuôi gà, đuôi cá và đuôi voi. Cách bện nào cũng phải dùng lực siết thật chặt từng lọn đót bằng những vòng dây mây. Cứ nửa vòng hoặc một vòng lại thắt gút một lần, nút gút thành hàng đều tăm tắp. Bó chổi bện xong, bà con dùng dao chặt bỏ phần gốc bông đót gọn gàng rồi mới tra cán. Để chiếc chổi thêm phần bền chắc, bà con còn dùi một lỗ nhỏ, xuyên phần dây mây còn lại qua cán le, gút chặt và khéo léo giấu đầu sợi mây vào trong bó chổi. Chính bởi lắm công phu và hoàn toàn thủ công nên chổi của bà con Bru - Vân Kiều làm ra mang nét đẹp độc đáo, mộc mạc, khó lẫn với các sản phẩm đại trà trên thị trường.

Việc làm chổi có thể chủ động về thời gian nên đa số bà con thường tranh thủ buổi trưa, buổi tối hoặc những lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Như gia đình ông Ai Mấy, nhờ chịu khó sản xuất cùng với thu nhập từ nghề làm chổi, vợ chồng ông dần mua thêm ruộng rẫy, xây nhà ở khang trang, thoát khỏi diện hộ nghèo. Thời điểm cuối năm cũng là lúc nhu cầu mua chổi tăng cao, ông tạm gác mọi việc, tỉ mẩn bó chổi đến quên cả nghỉ ngơi. Ngày làm nhiều nhất, ông hoàn thiện được 40 cây chổi. Với giá bình quân 40.000 đồng/cây, ông thu về hơn 1,5 triệu đồng, bù lại cho những ngày lặn lội tìm đót, chặt le đầy vất vả.

Bà Mó Phể (bên phải) giới thiệu về cách bện đầu chổi theo hình dáng đuôi cá.

Cũng xem nghề làm chổi là nguồn thu nhập chính nhưng bà Mó Phể (buôn Tà Đỗq) chỉ tranh thủ bện chổi vào ban đêm vì ban ngày còn bận trông các cháu nhỏ. Mấy năm gần đây, sức khỏe không còn như xưa, bà không thể lên đồi lấy đót, lấy le được nên phải mua từ những người đi rừng. Không có dây mây, bà tận dụng các dây đai nhựa xin được ở các kho sầu riêng, cửa hàng vật liệu xây dựng và bện chổi theo hình đuôi cá. Tùy vào lượng đót nhiều hay ít mà chiếc chổi có giá từ 30.000 – 50.000 đồng. Phải năm mưa nắng thất thường, bông đót thất thu, giá mua bông đót tăng cao, bà chẳng lãi được là bao nhưng vẫn làm để giữ lấy nghề thủ công này.

Mó Phể bộc bạch: “Nhờ có việc làm chổi, mình vừa có thêm thu nhập, vừa khuây khỏa tay chân, bớt nghĩ đến những chuyện muộn phiền. Vì như thế mà gắn bó mãi với nghề làm chổi từ khi còn trẻ đến giờ, chẳng thể nào bỏ được”. Cứ khoảng 10 ngày, Mó Phể lại buộc chừng 50 cây chổi lên xe đạp, đi bán dạo khắp vùng Krông Pắc, Ea Kar, Krông Bông. Xe chổi vơi đi, bà nhẩm tính, chia ngay số tiền kiếm được, phần nhiều để dành mua nguyên liệu, số còn lại mua gạo, mắm và chút quà bánh cho cháu. Ở tuổi 73, Mó Phể vẫn tự đảm bảo cho cuộc sống giản đơn của mình, tất cả là nhờ vào nghề làm chổi truyền thống.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.