Multimedia Đọc Báo in

Đạo đức với rừng

08:41, 16/02/2024

Từ khi sinh ra cho đến khi trở về với đất, các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên luôn gắn bó mật thiết với rừng.

Họ xem rừng như nguồn ân sủng lớn lao hơn tất cả mọi thứ và vì thế, mỗi cộng đồng dân tộc ở đây đều xác định tâm thế “biết ơn rừng” trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào. Từ tâm thế ấy, họ có suy nghĩ và hành xử với rừng hết sức đạo đức.

Ngày xưa, phương thức canh tác của các tộc người ở Tây Nguyên là một minh chứng sinh động cho tâm thế trên. Rằng họ tìm nguồn sống từ rừng và nuôi rừng hết sức tinh tế và khôn khéo theo “thiết chế buôn/làng rừng” truyền thống. Có nghĩa là buôn/làng tồn tại, phát triển trong rừng và ngược lại rừng được gìn giữ, bảo vệ bằng luật tục của cộng đồng cư dân tại chỗ.

Sống gắn bó với rừng nên người Tây Nguyên tạo nên hệ giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo. Ảnh: Hữu Hùng

Ngày nay, phương thức canh tác, cũng như không gian sống đã thay đổi, nhưng sự biết ơn đối với rừng vẫn nguyên vẹn, lắng sâu trong tâm tưởng mọi người.

Điều đó dễ nhận biết qua những thực hành văn hóa truyền thống như lễ cúng bến nước, tạ ơn rừng, mừng thọ của các tộc người ở Tây Nguyên. PGS.TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Tây Nguyên) dẫn chứng: Ví như lễ cúng bến nước của người Êđê, M’nông, Sê đăng, Bana hay J’rai… chẳng hạn - đều đề cao thông điệp gìn giữ toàn vẹn và bền vững không gian sống của cộng đồng.

Những thông điệp  sống hài hòa, nương tựa vào rừng được phát đi dưới sắc thái tín ngưỡng và tâm linh ấy được thành viên trong cộng đồng tuân thủ, thực hiện nghiêm cẩn thông qua “thiết chế buôn/ làng rừng” hết sức rành mạch và rõ ràng.

Thiết chế ấy luôn được trao truyền, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác để duy trì sự sống, phát triển của mỗi cộng đồng. Có thể nói người Tây Nguyên nương náu dưới đại ngàn và họ đã tạo ra hệ minh triết hòa hợp theo “lý lẽ” của rừng - vừa thiêng liêng, vừa gần gũi và vô cùng nhân văn.

Lễ tạ ơn rừng của người Êđê. Ảnh: Quang Hải
 
“Ở Tây Nguyên, rừng là cội nguồn của đời sống tâm linh, tức phần sâu xa nhất trong mỗi người và cộng đồng. Mất rừng thì mất đi cái nền tảng rộng lớn, bền chặt và sâu thẳm nhất của mình. Cho nên giữ rừng và hành xử có đạo đức với rừng đã thấm vào máu thịt của các cộng đồng người ở đây”.
 
PGS.TS. Tuyết Nhung Buôn Krông, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên

Rừng đối với người Tây Nguyên không chỉ là tài nguyên, là môi trường sinh thái như cách hiểu thông thường của chúng ta ngày nay, mà đó còn là cội nguồn văn hóa, tâm linh sâu sắc, luôn chi phối và dẫn dắt đời sống vật chất lẫn tinh thần của mỗi thành viên trong cộng đồng.

Người sống đã đành, mà người đã khuất cũng thế - rừng là máu thịt, là cõi đi về thấm đẫm ý nghĩa nhân sinh. Phong tục “bỏ mả” là một trong thực hành đề cao triết lý ấy - rằng khi một người chết, người ta chôn trong một ngôi mộ tạm, con người ấy được coi như chưa đi hẳn khỏi thế giới này.

Hằng ngày, người ta vẫn mang cơm nước và các vật dụng ra mộ để “nuôi” như nuôi một người còn sống. Trong thời gian đó, dài ngắn tùy theo điều kiện của từng gia đình, người ta chuẩn bị một ngôi nhà mồ thật đẹp (trên chính ngôi mộ tạm), khi mọi việc đã xong thì làm lễ bỏ mả - một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Tây Nguyên.

Cả làng đều tham gia, nhiều làng lân cận cũng kéo đến, người ta làm lễ tiễn đưa người chết mãi mãi đi khỏi thế gian này. Sau lễ lớn đó, ngôi mộ sẽ bị bỏ hẳn, không ai chăm sóc, viếng thăm gì nữa.

Đối với người Tây Nguyên, rừng vừa thiêng liêng vừa gần gũi. Ảnh: Nguyễn Gia

Người về với thế giới bên kia ấy, theo quan niệm của người Tây Nguyên, vốn là một mẩu nhỏ của rừng vô tận và trường cửu. Từ trong thăm thẳm khôn cùng của rừng mà đến và nay lại trở về với cội nguồn của mình chính là rừng. Con người là một bộ phận nhỏ, và cũng có thể nói là tạm thời của thực thể to lớn và vĩnh cửu là rừng. Rừng mới là tất cả, là trường tồn, con người và cuộc sống trần thế chỉ là một phần rất nhỏ, thoáng qua của thực thể bao trùm kia. 

Phương Đình

 

 


Ý kiến bạn đọc