Đồng bào dân tộc thiểu số ở Dang Kang:
Ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất
Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi sang những giống cây trồng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân buôn Cư Păm ai cũng nói đến hộ anh Y Um Êban như một điển hình cần cù, năng động, làm kinh tế giỏi. Được gia đình vợ chia cho 1 sào ruộng lúa và 5 sào cà phê khi mới kết hôn, anh chịu khó tiết kiệm, tích cóp mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất. Anh còn cố gắng tìm tòi, học hỏi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay gia đình anh Y Um đã có 3 ha cà phê và 7 ha ruộng lúa nước. Những năm gần đây, do cà phê đã già cỗi, năng suất thấp, anh mạnh dạn phá bỏ, tái canh bằng cà phê giống mới, có năng suất cao hơn, trong đó 1 ha cà phê kết hợp xen canh sầu riêng, tiêu và chăn nuôi thêm bò. Với mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, gia đình anh đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Năm 2017, khi cưới vợ, anh Y Phong Niê (ở buôn Cư Nun B) được gia đình vợ chia cho 5 sào lúa nước và gần 5 sào cà phê đã già cỗi, năng suất thấp. Anh quyết định nhổ bỏ diện tích cà phê sang trồng sầu riêng. Anh Y Phong nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng từ mạng Internet, tham quan các mô hình sầu riêng có hiệu quả cao để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Vụ sầu riêng năm vừa qua đã cho thu hoạch bói với khoảng hơn 3 tấn trái, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng.
Anh Y Phong Niê (thứ ba từ trái sang) chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc sầu riêng với khách đến tham quan. |
Khai hoang được hơn 2,5 ha đất rẫy và 1,8 ha ruộng lúa, trước đây gia đình ông Y Mi Kpơr (cũng ở buôn Cư Nun B) chỉ trồng ngô, đậu, làm lúa rẫy…; đến năm 1995 thì trồng cây cà phê. Tuy nhiên, do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất vườn cây hằng năm luôn thấp. Gần đây, ông quyết định phá bỏ diện tích cây cà phê đã già cỗi để trồng tái canh cà phê giống mới, có năng suất cao hơn; đồng thời, trồng xen canh khoảng 100 cây sầu riêng. Nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật, ông đã cố gắng tìm tòi, học hỏi và tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất trồng trọt – chăn nuôi do địa phương tổ chức để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Nhờ đó, cà phê của gia đình ông đã đạt năng suất cao hơn hẳn, thu hoạch khoảng từ 3 – 5 tấn cà phê nhân/năm, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi thêm 16 con trâu. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Cà phê của gia đình ông Y Mi Kpơr đạt năng suất cao do biết ứng dụng khoa học vào sản xuất. |
Ông Trần Đăng Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dang Kang cho biết: “Những năm gần đây, trên địa bàn xã Dang Kang, nhiều hộ nông dân trồng cây sầu riêng xen canh cà phê và hồ tiêu bước đầu có hiệu quả, nên địa phương tiếp tục khuyến khích bà con phát triển diện tích trồng xen canh bằng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao cũng như tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện để bà con được vay vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất, mua thêm máy móc, thiết bị. Nhờ vậy, nhiều hộ nông dân người dân tộc thiểu số đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống ngày càng ổn định”.
H Diăk Ayun
Ý kiến bạn đọc