Multimedia Đọc Báo in

“Thông điệp” từ những hương vị

09:57, 14/02/2024

Đắk Lắk không những là vùng đất trù phú cho phát triển nông nghiệp mà còn là nơi tập trung nhiều loại ẩm thực đặc trưng vùng miền. Đặc biệt, từ những món ăn dân dã, truyền thống, đã được người dân đầu tư mạnh mẽ để tạo ra các sản phẩm ẩm thực đạt tiêu chí OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Mộc mạc ẩm thực quê...

Đến với vùng đất huyền thoại – Lắk, ngoài việc thưởng ngoạn vẻ đẹp nguyên sơ của hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai của đất nước – hồ Lắk, du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng đất này, đó là cá bống hồ Lắk.

Sở dĩ cá bống ở đây thơm ngon, có hương vị khác biệt hơn các vùng khác là do nguồn nước và nguồn thức ăn dồi dào. Đặc biệt, người dân cũng đã sáng tạo ra nhiều món ăn từ loại cá này, nhất là món cá bống kho giòn. Và người được xem là “mẹ đẻ” của món ăn này là bà Phan Thị Mến (thị trấn Liên Sơn).

Món cá bống chiên giòn được bà Phan Thị Mến (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đóng hộp cẩn thận để gửi cho khách phương xa.

Chia sẻ bí quyết làm nên món ăn này, bà Mến cho hay, món cá bống kho nghe có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi sự kỳ công trong các bước chế biến mới tạo nên hương vị đặc trưng. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu, bà sử dụng cá bống tươi 100% được người dân vừa đánh bắt trực tiếp ngay tại hồ. Sau đó, sơ chế làm sạch cá, để ráo nước rồi mới tẩm ướp gia vị trước khi kho. Và kho chính là công đoạn công phu, tỉ mỉ nhất, cá được dàn ra thành lớp mỏng, kho trong nhiều giờ mới giữ được hình dáng nguyên vẹn, không bị nát mà vẫn giòn tan. Khi đã đạt được đến độ vàng nhất định và mùi thơm đậm đà đặc trưng thì cũng là lúc ra thành phẩm.

Từ hương vị riêng có của món ăn này, dần dà, cá bống kho trở nên nổi tiếng, được bán chạy nhất của quán nên bà Mến đã đem đóng thành hộp để kinh doanh với tên gọi “Đặc sản cá bống hồ Lắk”. Kể từ đó, món ăn dân dã này trở thành đặc sản nổi tiếng, đã “níu chân” không biết bao nhiêu du khách khi đến với Lắk.

Khác với món ăn dân dã nơi vùng sông nước của Lắk, gia đình chị Dương Thụy Phương Khuyên (thôn 4, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) lại “lên đời” cho món ăn vặt khô bò thành đặc sản của địa phương.

Chị Khuyên chia sẻ, để khô bò làm ra đúng vị truyền thống, nguyên liệu chính là thịt bò phải được chọn lựa kỹ lưỡng từ những con bò của người dân địa phương nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên nên thịt rất săn chắc, sạch sẽ. Ngoài ra, các loại gia vị tẩm ướp thịt như: ớt, gừng, tỏi, hạt tiêu… cũng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, quy trình chế biến rất kỳ công, thịt bò phải được làm sạch, tách hết phần mỡ thừa và cắt thành từng miếng. Sau đó, thịt được tẩm ướp gia vị theo công thức và bí quyết riêng, sấy trong vòng 6 giờ và cuối cùng là công đoạn đóng gói, dán nhãn thành phẩm. Sản phẩm khô bò của gia đình chị được chế biến từ thịt bò tươi 100% nên khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận rõ vị ngọt tự nhiên của bò, cùng với đó là vị cay nhẹ, thêm một chút mùi thơm từ sả, tất cả được hòa quyện trong từng thớ thịt. Chính điều này đã tạo sự khác biệt khiến khách hàng luôn tìm đến với sản phẩm khô bò của chị.

... Thành đặc sản vùng miền

Không chỉ riêng sản phẩm cá bống kho, khô bò, mà ở nhiều vùng miền của Đắk Lắk còn những món ăn mang đặc trưng của vùng đất, của cư dân bản địa như: chả ốc nhồi ống tre, bò một nắng muối kiến vàng, chả cá thát lát, cơm cháy… Điều đặc biệt, những món ăn này đang được các chủ thể đầu tư, nâng cấp thành những sản phẩm có thương hiệu, gắn sao OCOP để vươn ra những thị trường xa hơn.

Bà Phan Thị Mến, chủ thể của sản phẩm Cá bống hồ Lắk cho hay, để phát huy giá trị “món ăn dân dã”, bà đã đưa món cá bống kho tham gia đánh giá OCOP và được gắn 3 sao cấp huyện vào năm 2023, mở ra cơ hội mang đặc sản này quảng bá đến nhiều thực khách trong và ngoài tỉnh. Cũng từ đây, bà Mến chỉn chu hơn trong tất cả các khâu để giữ vững thương hiệu, uy tín của sản phẩm khi mang ra thị trường. Nhờ vậy, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm rất ổn định, bà còn tiếp cận được với các thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là khách hàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên đặt mua với số lượng lớn.

Công đoạn xếp thịt bò vào khay để chuẩn bị sấy khô được chị Dương Thụy Phương Khuyên (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) thực hiện cẩn thận.

Hay hộ chị Dương Thụy Phương Khuyên, từ chất lượng và uy tín vốn có, chị đã đầu tư thêm máy móc hiện đại, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm “Khô bò Phương Khuyên” và đầu tư thiết kế, in ấn bao bì bắt mắt... nhằm nâng cấp sản phẩm. Năm 2021, “Khô bò Phương Khuyên” đã tham gia đánh giá sản phẩm OCOP và được Hội đồng chấm điểm xếp hạng OCOP đạt 3 sao ở cả cấp huyện và tỉnh. Hiện sản phẩm “Khô bò Phương Khuyên” có hai loại là khô bò sợi và khô bò miếng; sản phẩm cũng được đóng gói thành nhiều trọng lượng khác nhau để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. Hiện chị Khuyên đang tập trung cho các đơn hàng Tết 2024, đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và những nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường kinh doanh.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm, rất nhiều món ăn quen thuộc, lâu đời ở các vùng miền đã được tiếp thêm sức mạnh, có sức cạnh tranh hơn trên thị trường và bước vào hệ thống bán lẻ hiện đại… Hiện Đắk Lắk cũng đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ để phát triển các sản phẩm ẩm thực OCOP, từ đó đưa bản sắc ẩm thực của người dân Tây Nguyên đến gần hơn với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Minh Huyền Thúy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.