Multimedia Đọc Báo in

Từ những ô cửa nhà dài...

10:03, 14/02/2024

Từ những ô cửa nhà dài nơi rừng núi xa xôi đến cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn bên ngoài là hành trình bền bỉ thắm đượm tình yêu quê hương xứ sở và tràn đầy khát vọng vươn lên trong mỗi người con của buôn làng.

“Thanh niên sống đẹp” của buôn làng

Là người con của buôn Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), tình yêu buôn làng của H Zu Ni Niê (SN 1994) gắn với các bà, các mẹ cặm cụi dệt vải, với những ngôi nhà dài dưới tán rừng xanh cùng thanh âm cồng chiêng vang vọng trong các lễ hội…

Khi đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn buôn Ako Dhông, H Zu Ni có cơ hội lan tỏa tình yêu buôn làng, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua những hành động thiết thực. “Không chỉ tìm đọc trên sách báo, có dịp gặp gỡ người già trong buôn, tôi thường tìm hiểu cặn kẽ về các nghi lễ truyền thống, kiến trúc nhà dài, văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ của người Êđê. Tôi cũng đăng ký học thêm tiếng Anh và nghiệp vụ về hướng dẫn viên du lịch”, H Zu Ni chia sẻ.

Từ đó, H Zu Ni có thể tự tin đón tiếp những đoàn khách du lịch đến thăm, tự hào giới thiệu không gian và nét văn hóa đặc sắc của buôn làng, tham gia biểu diễn những điệu múa truyền thống... để du khách hiểu hơn về văn hóa của người dân tộc bản địa. Là thành viên của Ban quản lý Du lịch cộng đồng buôn Ako Dhông, nhiều lần cùng du khách trải nghiệm văn hóa tại các hộ dân làm du lịch trong buôn giúp chị nhận biết điểm mạnh, điểm yếu của từng loại hình dịch vụ, từ đó đóng góp ý kiến để mô hình du lịch cộng đồng tại đây phát triển tốt hơn.

Chị H Zu Ni Niê mong muốn đóng góp sức trẻ xây dựng buôn làng.

Là thủ lĩnh thanh niên, hoạt động với tinh thần tình nguyện, chị H Zu Ni huy động đoàn viên tích cực xung kích vì cộng đồng: hiến máu tình nguyện; dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường; hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử; khuyến khích thanh niên tham gia các lớp học bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch cộng đồng, đánh cồng chiêng, múa xoang…

Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, chị chú trọng quảng bá nét văn hóa đặc sắc của buôn Ako Dhông qua mạng xã hội để du khách dễ dàng tiếp cận, từ đó tư vấn, hỗ trợ và kết nối du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, vận động đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, nhiều đoàn viên, thanh niên trong buôn đã cùng gia đình phát triển các mô hình như: cà phê nhà sàn, làm rượu cần, ẩm thực truyền thống… Bản thân chị cũng học cách rang xay cà phê thủ công của người Êđê, rồi dùng chính những hạt cà phê trên rẫy của gia đình để chế biến, mang thành phẩm giới thiệu đến du khách gần xa và nhận được các đơn đặt hàng cũng như phản hồi tích cực.

“Mình làm việc với đam mê, niềm vui, sự tự hào dân tộc. Nhiều lần được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch, ngày hội quảng bá kết nối du lịch ở trong và ngoài tỉnh là cơ hội để bản thân học hỏi, qua đó phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và phát triển du lịch cộng đồng”, chị H Zu Ni tâm sự. Với sự cố gắng vươn lên, tích cực hoạt động vì cộng đồng, năm 2023, chị H Zu Ni Niê được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột tuyên dương “Thanh niên sống đẹp”.

“Kiến trúc sư” mang nhà dài ra Hà Nội

Là một trong số ít người nhiều lần ra Hà Nội phục dựng và tu sửa ngôi nhà dài truyền thống người Êđê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông Y Yok H’mok (65 tuổi, buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) được nhiều người quen thuộc gọi với cái tên thân thương “kiến trúc sư” người Êđê.

Năm 2000, khi cùng nhóm thợ trong buôn ra Hà Nội dựng nhà dài, ông Y Yok vô cùng tự hào khi được đóng góp chút công sức của mình để đưa văn hóa nhà dài của dân tộc mình ra tận Thủ đô. Thời điểm đó, trong đoàn ra Hà Nội dựng nhà dài có 16 người, bản thân ông chưa có nhiều kinh nghiệm nên chủ yếu làm những việc đơn giản theo sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề đi trước. Đến năm 2009, khi ra Hà Nội tu sửa ngôi nhà này, với kinh nghiệm tích lũy trước đó, ông lại tận tình hướng dẫn cho người đi sau. Đầu năm 2023, ông dẫn đầu đoàn 13 người ra lại Hà Nội để trùng tu ngôi nhà. Chuyến đi này ông Y Yok dẫn theo con trai của mình và nhiều người trẻ trong buôn để thế hệ sau có cơ hội được học, được làm và lưu giữ, sau này nối tiếp công việc của thế hệ đi trước.

Ông Y Yok H’mok (bên trái) chụp hình lưu niệm ở Nhà dài tại Hà Nội trong đợt ra trùng tu vào đầu năm 2023. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông cho hay, do điều kiện thời tiết của miền Bắc lạnh và ẩm nên ngôi nhà nhanh hỏng hơn so với ở Tây Nguyên. Do sàn nhà, các trụ gỗ đã bị mọt ăn nhiều, đặc biệt phần mái nhà đã bị hư hỏng, dột nhiều nên khi đến nơi, ông Y Yok đã phân công các thành viên trong đoàn người vót mây, người buộc rui mè, người làm sạch và phơi khô cỏ tranh... Từng công đoạn tưởng rất đơn giản, nhưng thực tế lại rất kỳ công, đòi hỏi mỗi người thợ phải trau chuốt, cẩn thận và hết sức tỉ mỉ. Cứ thế, cả nhóm thợ phải ròng rã gần 2 tháng mới tu sửa xong căn nhà.

Ông Y Yok tâm sự: “Trong nhóm thợ đi trùng tu lần này, ngoài tiêu chí chọn thợ có tay nghề và kinh nghiệm, tôi cũng ưu tiên chọn thêm lớp trẻ để chỉ dẫn, bày cho chúng làm vì sau này khi chúng tôi già yếu thì bọn trẻ sẽ tiếp nối việc tu sửa phục dựng để kiến trúc này còn mãi. Đặc biệt, được đến Hà Nội, tận mắt chứng kiến văn hóa nhà dài của dân tộc mình lan tỏa đến du khách tham quan mọi miền sẽ khiến lớp trẻ thêm tự hào và trân quý, giữ gìn những ngôi nhà truyền thống”.

Tam Giang - Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.