Người gìn giữ “báu vật” của thiên nhiên
Trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, bà Hoàng Thị Hà (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã gác lại công việc thường ngày của bản thân, từng bước bắt tay vào việc bảo tồn, phát huy giá trị những cây dược liệu quý.
6 năm trước, bà Hà phát hiện mình bị bệnh ung thư và lập tức phải điều trị bệnh. Để tập trung chữa trị, bà Hà buộc phải dừng hết công việc kinh doanh của mình. Nhưng cũng vì thế mà bà có thời gian để tìm hiểu sâu hơn về nghề đông y gia truyền nhằm tìm cách chữa trị bệnh cho chính mình.
Bà Hà nhớ lại, trước đây bà có gần 1 ha đất trồng các loại rau gia vị như diếp cá, tía tô và các loại rau khác như cải kale, súp lơ baby… chuyên cung cấp cho một nhà hàng Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, với sản lượng 1 tạ rau/ngày.
Thời điểm đó, chủ nhà hàng Nhật Bản (một chuyên gia về tinh dầu) đã chia sẻ với bà rằng, các loại rau gia vị mà bà cung cấp được khách hàng rất yêu thích, đặc biệt có mùi thơm đặc trưng và hàm lượng tinh dầu cao.
Lúc này bà nảy ra ý tưởng xây dựng một khu vườn trồng các loại cây dược liệu quý, vừa để làm tinh dầu vừa nhận khách du lịch đến lưu trú, trải nghiệm, spa trị liệu đông y các bệnh về thần kinh, xương khớp, xoang… Từ đó, Vườn xanh Organic ra đời.
Bà Hoàng Thị Hà sưu tầm nhiều loại dược liệu về trồng trong vườn. |
Trên diện tích 1 ha đất hiện có, bà bắt đầu trồng các loại cây dễ tìm, có sẵn trên địa bàn như: húng quế, hương nhu…, sau đó bà sưu tầm được các loại dược liệu quý từ ở khắp cả nước mang về trồng (cây huyết tương, sâm đại quang, tam thất, quế…).
Đến nay, bà Hà đã sở hữu một khu vườn gồm hơn 100 loại dược liệu cả ngắn ngày, dài ngày và lâu năm, được canh tác thuần tự nhiên nhằm bảo đảm duy trì đặc tính của từng loại cây.
Thời điểm sau đại dịch COVID-19, bà Hà phát triển thêm tinh dầu từ các loại cây trồng được. Đặc biệt, sản phẩm dầu sâm để phòng tránh COVID-19 và trị các bệnh về xoang được nhiều người yêu thích. Nhờ đó, bà mạnh dạn phát triển mảng sản xuất tinh dầu.
Mùa nào sản xuất loại tinh dầu đó, hiện nay, bà đã chiết xuất được hơn 20 loại tinh dầu như: sả, xá xị, quế, tiêu rừng, dạ hương, hương nhu, tràm… và sản xuất ổn định 6 – 7 loại tinh dầu do số lượng cây còn hạn chế.
Cũng vì là các sản phẩm hữu cơ nên số lượng không nhiều, chỉ từ vài lít đến 100 lít/loại, hầu hết chỉ bán cho người quen biết và được các công ty nước ngoài (Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ…) đặt mua để sử dụng làm tinh dầu gốc.
Đặc biệt, để xuất bán tinh dầu ra nước ngoài, nhất là các quốc gia "kỹ tính" như Nhật Bản, Thụy Sỹ thì cần quỹ đất rộng, xa khu dân cư để tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Do đó, bà đã thuê thêm 1,5 ha đất xung quanh khu vực vườn cây của mình nhằm hạn chế bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu… từ các khu đất bên cạnh xâm nhập. Đồng thời, những lô tinh dầu sau khi sản xuất đều được các cơ quan chuyên môn kiểm định chặt chẽ, bảo đảm chất lượng mới được xuất đi.
Bà Hoàng Thị Hà sử dụng cây dược liệu trong vườn để làm thuốc. |
Với ưu thế có nghề đông y gia truyền, bà Hà đã biến khu vườn của mình thành một địa điểm để trải nghiệm du lịch và spa chăm sóc, trị liệu. Hiện nay, Vườn xanh Organic đón mỗi tháng trên dưới 10 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng, trị liệu. Khi đến đây, khách được nghỉ dưỡng, spa, bấm mạch, điều trị các bệnh về xương khớp, dây thần kinh… và sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên từ khu vườn của bà Hà.
Từ đam mê, bà Hà có thêm một khoản thu nhập khá từ khu vườn của gia đình. Để phát triển mạnh và đa dạng sản phẩm, hiện bà đang ấp ủ quy trình chiết xuất nước hoa để đưa ra thị trường, đồng thời đầu tư phát triển hơn 50 ha trong 200 hộ dân, trồng gần 20 loại sâm quý xen kẽ theo loài tại tỉnh Kon Tum.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc