Multimedia Đọc Báo in

“Nóng” thị trường vé máy bay

07:06, 22/03/2024

Những năm trước, thời điểm trước kỳ nghỉ hè giá vé máy bay thường có xu hướng giảm do nhu cầu đi lại thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá vé máy bay các chặng tăng cao bất thường, thậm chí một số chặng còn cao hơn vé Tết.

Khó “săn” vé máy bay giá rẻ

Tính đến giữa tháng 3/2024, chặng Buôn Ma Thuột – Hà Nội là chặng bay có giá vé cao nhất trong các đường bay từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Cụ thể, từ ngày 20 đến ngày 24/3/2024, giá vé dao động từ 3,6 – 3,8 triệu đồng/vé; giai đoạn từ ngày 25 đến cuối tháng 3/2024 cũng dao động từ 2,2 – 2,4 triệu đồng/vé. Đối với chặng Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh giá vé có “mềm” hơn, nhưng cũng dao động từ 1,4 – 2 triệu đồng. Trong khi đó, đối với chặng bay Buôn Ma Thuột – TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) dù đặt vé trước một tháng nhưng giá vé khoảng 1,3 triệu đồng/vé.

Chị Nguyễn Thị Sen (trú TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, vừa rồi gia đình chị có việc ở Hà Nội nên phải mua vé máy bay chặng Buôn Ma Thuột – Hà Nội, do không chủ động được ngày bay nên chị không dám đặt xa ngày. Thế nhưng, mỗi lần kiểm tra giá vé trên các trang bán vé, mỗi giờ giá lại tăng lên mấy trăm nghìn đồng. Giá vé cao nhưng có việc đột xuất nên chị đành “bấm bụng” mua vé bay để giải quyết công việc riêng.

Hành khách làm thủ tục bay tại Nhà ga Cảng hàng không Buôn Ma Thuột.

Những năm trước, nếu hành khách đi lại trong thời gian không trùng dịp nghỉ lễ, tết, hoặc kỳ nghỉ hè, việc “săn” một tấm vé máy bay giá rẻ rất dễ dàng, còn thời gian gần đây dù đặt vé xa ngày thì giá vẫn cao chót vót. Anh Nguyễn Đình Tú (huyện Krông Năng) cho hay, anh dự tính cuối tháng 3/2024 bay chặng Buôn Ma Thuột – Hà Nội, mặc dù đã tìm hiểu giá vé trước gần nửa tháng nhưng giá vé rất cao nên không đặt chỗ. Vé chặng này ngày 31/3 của Hãng Vietjet Air 1,9 triệu đồng, trong khi Hãng Vietnam Airlines có giá lên đến 3,8 triệu đồng. Những ngày qua, anh thường xuyên theo dõi giá vé trên các hệ thống bán vé, nhưng giá vẫn không có dấu hiệu "hạ nhiệt". Anh cho hay, chưa bao giờ di chuyển trong những ngày thường mà giá vé máy bay lại cao ngang ngửa, thậm chí cao hơn vé dịp cao điểm Tết Nguyên đán hằng năm. Với mức giá như hiện tại, có lẽ anh sẽ lựa chọn đi xe khách để tiết kiệm chi phí cho gia đình.

Nhiều chặng bay tạm dừng hoạt động

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện có một nhà ga hành khách, công suất phục vụ 2 triệu hành khách/năm. Năm 2023, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đã đón hơn 1,4 triệu lượt hành khách với 8.559 lượt tàu bay cất và hạ cánh, tương đương với lượng khách đến Cảng năm 2022.

Thời điểm ổn định nhất, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột khai thác các chuyến bay nội địa đến các cảng hàng không gồm: Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Vinh (tỉnh Nghệ An), Cát Bi (TP. Hải Phòng), Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng). Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều chặng bay đi, đến Cảng hàng không Buôn Ma Thuột tạm dừng hoạt động. Tính đến giữa tháng 3/2024, các chặng Buôn Ma Thuột – Thanh Hóa; Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng không còn hãng nào tổ chức hoạt động bay. Trong khi đó, một số chặng bay khác, mặc dù lượng khách khá ổn định như Buôn Ma Thuột – Vinh, trước đây có ba hãng hàng không khai thác gồm Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietnam Airlines thì hiện tại chỉ còn hãng Vietjet Air khai thác, với tần suất 14 chuyến khứ hồi/tuần; tương tự chặng Buôn Ma Thuột – Hải Phòng cũng chỉ còn Hãng Vietjet Air, tần suất 6 chuyến khứ hồi/tuần.

Hành khách tại Sân bay Buôn Ma Thuột.

Việc dừng một số chặng bay và giảm tần suất ở một số chặng khác là một trong những nguyên nhân dẫn tới giá vé máy bay khan hiếm và đắt đỏ trong thời gian vừa qua. Còn theo đại diện một hãng hàng không tại Buôn Ma Thuột cho biết, nguyên nhân do thời gian gần đây, một số hãng đang tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để tăng hiệu quả hoạt động dẫn tới số lượng tàu bay bị cắt giảm.

Bên cạnh đó, hiện nay nguồn lực phục vụ khách của hãng còn thiếu nên chỉ bố trí đối với các đường bay có lượng khách ổn định, nhu cầu đi lại cao. Đại diện hãng này cũng thông tin, khi nguồn lực của hãng đầy đủ và thị trường tốt lên thì sẽ khai thác các đường bay tiềm năng như Buôn Ma Thuột – Vinh, Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.