Multimedia Đọc Báo in

Học sinh này có nhiệm vụ theo dõi học sinh khác: Nên hay không?

08:24, 08/04/2024

Hiện nay, tại nhiều trường THCS, ban cán sự lớp được giáo viên giao nhiệm vụ từ theo dõi tình hình đến nhắc nhở, kiểm tra các học sinh khác. Cách thức này được giải thích là để giúp giáo viên quản lý lớp học, đồng thời giúp học sinh rèn luyện ý thức trách nhiệm.  

Ở một số trường THCS, ban cán sự thường có lớp trưởng, 4 lớp phó, 4 tổ trưởng (có thể thêm tổ phó) và đội cờ đỏ gồm 6 thành viên, chia làm hai nhóm thay phiên nhau hoạt động. Nhiệm vụ của ban cán sự chủ yếu là theo dõi các hoạt động, các thành viên trong lớp để báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Việc theo dõi được ghi chép vào sổ và tổng hợp theo tuần, tháng. Ngoài ra, ban cán sự còn có nhiệm vụ nhắc nhở trật tự, tổ trưởng còn được giao kiểm tra vở bài tập trước giờ học để báo cáo tình hình với giáo viên bộ môn.

Có thể thấy, nhiệm vụ của ban cán sự lớp là khá nặng nề, nó như một công việc thực sự, đặc biệt là với lớp trưởng. Ở đây, có nhiều câu hỏi cần đặt ra từ góc độ giáo dục: Lớp trưởng vừa phải làm nhiệm vụ ban cán sự, vừa phải học tập, trong khi học sinh khác chỉ cần lo học tập, liệu có tốt và công bằng? Một học sinh có nhiệm vụ theo dõi các học sinh khác, liệu có phù hợp? Liệu một số học sinh có quyền hơn các học sinh khác, để nhắc nhở và kiểm tra, là đúng?

Học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) tham dự buổi Chuyên Đề Định hướng lựa chọn tổ hợp môn học
Học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) tham dự sinh hoạt buổi chuyên đề "Định hướng lựa chọn tổ hợp môn học". (Ảnh minh họa)

Điều lệ trường THCS quy định mỗi lớp có lớp trưởng, 1 - 2 lớp phó, lớp chia làm nhiều tổ và mỗi tổ có tổ trưởng, tổ phó. Tuy nhiên, không có quy định về nhiệm vụ các vị trí này, không gọi là ban cán sự và cũng không có đội cờ đỏ. Tất cả học sinh đều có nhiệm vụ và quyền như nhau, tập trung vào học tập và rèn luyện, giúp đỡ và đoàn kết lẫn nhau, tham gia các hoạt động tập thể… Như vậy, không học sinh nào có quyền nhiều hơn và cao hơn học sinh khác. Không học sinh nào có nhiệm vụ theo dõi tình hình, nhắc nhở trật tự hoặc kiểm tra vở bài tập. Cách phân công nhiệm vụ ban cán sự lớp nêu trên là trái với quy định.

Trong khi đó, giáo viên có nhiệm vụ “quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức” và “chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục”. Do vậy, nếu hiểu theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra là các cách thức quản lý và chúng ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục thì rõ ràng đây phải là nhiệm vụ của giáo viên, thuộc thẩm quyền của giáo viên.

Các nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra rằng một lớp học được quản lý tốt sẽ có kết quả học tập tốt. Mà cách thức cần thực hiện là học sinh tham gia quản lý lớp học bằng cách chịu trách nhiệm cho hành vi của bản thân mình, còn giáo viên cung cấp những biện pháp và cách rèn luyện để học sinh thực hiện được điều đó; chứ không phải bằng cách quản lý theo dõi những học sinh khác thay cho giáo viên. Dùng học sinh quản lý, giám sát học sinh sẽ làm hỏng mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, tạo ra môi trường đầy sự nghi kị, đố kị, chia rẽ.

Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để chấm dứt tổ chức ban cán sự lớp kiểu này. 

Nguyễn Xuân Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.