Multimedia Đọc Báo in

"Món ăn tinh thần" của lính đảo Trường Sa

07:35, 21/04/2024

Ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) các phương tiện thông tin, giải trí không đa dạng như trong đất liền. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn có đời sống tinh thần phong phú thông qua việc đọc sách, báo.

Sau mỗi giờ luyện tập, hay khi hoàn thành ca trực tuần tra, canh gác, binh nhất Phan Văn Tiến (SN 2004, quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng đồng đội tại điểm đảo Đá Tây B lại đến Phòng Hồ Chí Minh (phòng sinh hoạt chung) của đơn vị để bổ sung thêm kiến thức từ sách, báo.

Anh Tiến chia sẻ: “Ở nhà tôi ít khi đọc sách, có chăng chỉ mở điện thoại lướt Facebook. Ra đảo công tác, giữa mênh mông sóng nước, không có sóng 3G, 4G thì sách, báo là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Việc đọc sách, báo hằng ngày đã trở thành thói quen rất bổ ích không chỉ giúp tôi mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, mà còn làm vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đọc báo bên cột mốc chủ quyền.

Phòng Hồ Chí Minh ở điểm đảo Đá Tây B hiện có trên 2.000 đầu sách và báo, tạp chí. Theo Thiếu tá Trần An Tuấn, Chính trị viên đảo Đá Tây B, phong trào đọc sách, báo trên đảo đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng ý thức tự học, bồi dưỡng tri thức cho mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Tại đảo Trường Sa, vào mỗi buổi sáng cuối tuần thường có rất đông các cán bộ, chiến sĩ đến Phòng Hồ Chí Minh ngồi đọc sách, báo. Ngày thường thì những lúc giải lao sau giờ huấn luyện, không khó để bắt gặp hình ảnh ở dưới tán cây bàng vuông, mù u, phong ba, từng nhóm chiến sĩ cùng nhau đọc báo, trao đổi, chia sẻ sôi nổi những thông tin về tình hình đất liền cho nhau.

Binh nhì Đinh Thành Vinh (Cụm chiến đấu 1 - đảo Trường Sa) cho biết, ngoài thời gian ngồi đọc sách tập trung, các chiến sĩ còn mượn sách về đọc. Đối với bộ đội nơi đảo xa, sách, báo không đơn thuần là niềm vui mà còn là những người bạn quý trong quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 - đảo Trường Sa cho hay, được lãnh đạo, chỉ huy cấp trên thường xuyên quán triệt, tuyên truyền, đơn vị đã duy trì nền nếp đọc sách, báo hằng ngày.

Ngoài Phòng Hồ Chí Minh, trong hội trường của Cụm cũng bố trí các tủ sách, báo để cán bộ, chiến sĩ tranh thủ thời gian tìm tòi, nghiên cứu. Những cuốn sách, báo, tạp chí chính là nguồn kiến thức, tư liệu phong phú để hỗ trợ cán bộ, chỉ huy triển khai các bài giảng chính trị hiệu quả; giúp các chiến sĩ hiểu rõ hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; có thêm kiến thức về công tác chăn nuôi, trồng trọt nhằm cải thiện đời sống trên đảo, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nghỉ giải lao sau giờ huấn luyện, các chiến sĩ đảo Trường Sa lại đến Phòng Hồ Chí Minh để đọc sách.

Để văn hóa đọc đi vào thực chất, hiệu quả, bên cạnh việc tổ chức đọc báo, điểm báo mỗi ngày, hằng tháng cán bộ, chỉ huy đảo Đá Tây A còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia như: Thi tìm hiểu sự kiện và nhân vật lịch sử, đại sứ văn hóa đọc; thành lập các nhóm đọc sách, tọa đàm sách, hưởng ứng Ngày hội đọc sách; tổ chức buổi sinh hoạt để định hướng, giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích… giúp cán bộ, chiến sĩ có dịp cùng nhau trao đổi, bình luận về những cuốn sách hay, những vấn đề thời sự nổi bật.

Phòng Hồ Chí Minh, thư viện ở đảo Đá Tây A không những phục vụ tốt cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo mà còn là nơi để người dân sinh sống trên đảo quan tâm tìm hiểu thêm kiến thức. Các giáo viên Trường Tiểu học xã đảo Đá Tây A cũng dành thời gian ngày nghỉ cuối tuần để đến thư viện đọc sách, bổ sung thêm kiến thức đời sống cũng như có nhiều tư liệu truyền dạy cho học sinh.

Thầy Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường Tiểu học xã đảo Đá Tây A tâm sự: “Mỗi khi đến thư viện của đảo, tôi cùng các em đọc được nhiều cuốn sách hay để bổ trợ cho bài học. Thầy trò coi đây như buổi học ngoại khóa, vừa học, vừa giải trí”.

Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân khẳng định: Xây dựng, phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời là một trong chủ trương lớn có ý nghĩa chiến lược của của Đảng, Nhà nước trong mọi thời kỳ.

Đặc biệt ở những vùng hải đảo xa xôi như huyện đảo Trường Sa thì văn hóa đọc lại càng quan trọng. Hiện nay, ở các đảo, điểm đảo, điểm đóng quân của huyện Trường Sa đều có Phòng Hồ Chí Minh, được bố trí hàng nghìn đầu sách, đa dạng các lĩnh vực như lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, văn học và các loại báo, tạp chí, tài liệu, thông tin…

Những cuốn sách, tờ báo được quân và dân nâng niu, trân quý làm phong phú thêm đời sống tinh thần, góp phần nâng cao kiến thức trong cuộc sống, lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc ở Trường Sa.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.