Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng ly hôn trong giới trẻ

08:08, 12/05/2024

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, đáng báo động là ly hôn ở giới trẻ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số án hôn nhân và gia đình…

Năm 2018, chị Tr. (SN 1994, trú huyện Krông Bông) và anh Ch. (SN 1983, trú huyện Lắk) kết hôn rồi sống chung cùng bố mẹ chồng tại huyện Lắk.

Sau vài tháng, vợ chồng chị Tr. thuê nhà riêng và kinh doanh cửa hàng ăn uống. Từ đó trở đi, cuộc sống vợ chồng bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân là do hoàn cảnh kinh tế, công việc làm ăn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vợ chồng không biết thông cảm, sẻ chia với nhau.

Cuối năm 2018, khi chị Tr. mang thai, anh Ch. thường vô cớ xúc phạm, chửi bới chị Tr. khiến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng. Chị Tr. bỏ về nhà bố mẹ ở huyện Krông Bông nên vợ chồng ly thân.

Năm 2022, chị Tr. đã làm đơn ly hôn và được TAND huyện Lắk giải quyết cho ly hôn; giao con chung cho chị Tr. nuôi dưỡng.

TAND huyện Krông Pắc giải quyết một vụ ly hôn. Ảnh: TAND tỉnh.

Tương tự, chị V. (SN 1998, trú huyện Buôn Đôn) và anh T. (SN 1991, trú huyện Cư M’gar) kết hôn vào đầu năm 2018. Quá trình chung sống, vợ chồng không hạnh phúc, thường xuyên phát sinh mâu thuẫn nên năm 2019, chị V. về huyện Buôn Đôn sinh sống cùng với bố mẹ.

Đến năm 2023, chị V. gửi đơn ly hôn tới TAND huyện Cư M’gar. Quá trình giải quyết vụ việc, mặc dù tòa án nhiều lần triệu tập anh T. nhằm hòa giải, tuy nhiên anh T. cố tình trốn tránh, không hợp tác.

Xét thấy mâu thuẫn vợ chồng là rất trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được nên TAND huyện Cư M’gar đã chấp nhận đơn khởi kiện xin ly hôn của chị V. và giao người con chung sinh năm 2018 cho chị V. trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

 

Hệ quả đau lòng của việc ly hôn trong giới trẻ khi ngày càng có nhiều đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha lẫn mẹ. Trong năm 2023, có tới 2.846 người con dưới 18 tuổi và riêng 3 tháng đầu năm 2024 cũng đã có gần 700 đứa trẻ phải chịu thiệt thòi do bố mẹ ly hôn.

Theo thống kê của TAND tỉnh, trong hai năm 2022 - 2023, tổng số vụ án ly hôn mà TAND hai cấp đã giải quyết 11.409 vụ việc. Nguyên nhân ly hôn do mâu thuẫn gia đình 9.354 vụ (chiếm 82%); do nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc 297 vụ (chiếm 2,6%); bạo lực gia đình 274 vụ (chiếm 2,4%); do kinh tế 135 vụ (chiếm 1,1%)… Điều đáng nói là tình trạng ly hôn trong giới trẻ (từ 18 - 30 tuổi) ngày càng tăng khi năm 2022 có 1.159 vụ, năm 2023 tăng lên 1.375 vụ. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, trong 1.175 án hôn nhân và gia đình đã có tới 371 vụ ly hôn trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi.

Ông Nguyễn Đình Triết, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng ly hôn trong giới trẻ ngày càng gia tăng là sự phát triển về tâm sinh lý.

Giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, thiếu sự chuẩn bị tâm lý, cũng như chưa được trang bị về kiến thức tiền hôn nhân, các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Vì vậy, khi bắt đầu cuộc sống gia đình với nhiều khó khăn, khi xảy ra mâu thuẫn thì họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến hôn nhân đổ vỡ.

Bên cạnh đó, sau khi kết hôn, các đôi vợ chồng trẻ phải tự lo cho cuộc sống gia đình và sinh con sớm trong khi chưa có nghề nghiệp ổn định, kinh tế gặp nhiều khó khăn dẫn đến hụt hẫng, bất mãn, tranh cãi mâu thuẫn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn.

Ngược lại, nhiều cặp vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, kinh tế khá giả nhưng vợ chồng lại mải mê với công việc, thiếu quan tâm đến nhau nên tình cảm dần phai nhạt, rồi sinh ra nghi kị, ghen tuông, phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

Cán bộ xã tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình trong Hội thi Chủ tịch xã, phó chủ tịch xã với pháp luật.

Để kéo giảm tình trạng ly hôn trong giới trẻ, theo ông Nguyễn Đình Triết thì các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình.

Đặc biệt chú trọng đến truyền thống, giáo dục đời sống gia đình, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" và “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… phát huy vai trò trong công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh; thường xuyên tổ chức các phiên tòa giả định để tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cho giới trẻ.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.