Multimedia Đọc Báo in

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ - điểm son văn hóa của Đà Nẵng

09:00, 28/05/2024

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ hiện ở tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) vốn có tên gọi dân gian là “Cấm” và tên xứ đất trong cúng tế là “Gò Dàng xứ”. Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa.

Trong lịch sử, Phong Lệ là vùng đất được chuyển giao từ Vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Những năm cuối thế kỷ 19, Phong Lệ đã được ông Camille Paris lựa chọn để lập đồn điền trồng cà phê, chè, thơm. Trong quá trình khai phá, người ta đã phát hiện ra những vết tích của một ngôi tháp đổ nát. Ông Camille Paris đã thu thập tại đây nhiều hiện vật điêu khắc Chămpa và chuyển về công viên Tourane (Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày nay). Sau đó, địa điểm khảo cổ Chăm Phong Lệ bị lãng quên.

Sau năm 1975, hợp tác xã nông nghiệp của địa phương đã san ủi một phần di tích để làm trại chăn nuôi và người dân cũng dần dần về đây cư trú mà không biết đến sự tồn tại của một di chỉ khảo cổ quan trọng trong lòng đất...

Vào tháng 4/2011, gia đình ông Ông Văn Tồn, ở xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông) khi đào móng làm nhà đã phát hiện ra một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Ngay sau khi nhận thông tin, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tiến hành khai quật khẩn cấp.

Qua ba đợt khai quật, nhiều dấu vết kiến trúc Chăm đã xuất lộ, cùng một số hiện vật. Đáng chú ý, trong đợt khai quật năm 2012 đã làm phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chăm lớn, cho thấy trùng khớp với các ghi chép trong thư tịch của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20.

Các phương án dự thi quy hoạch, kiến trúc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 - giai đoạn 1 trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.

TS. Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nhận định: Với kết quả ban đầu khai quật cho thấy, phế tích này được xử lý phần móng khá hoàn hảo chứng tỏ quy mô quần thể kiến trúc rất lớn.

Có thể xác định, di tích Phong Lệ được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Tháp Phong Lệ cùng hệ thống tháp Chiên Đàn, Bằng An và những tháp Mỹ Sơn được xây dựng sau thế kỷ 10 đã góp phần khẳng định vai trò lịch sử của vùng đất trong tổng thể địa lý do người Chăm quản lý trong lịch sử. Sự xuất hiện của di tích Phong Lệ trên bản đồ văn hóa và lịch sử TP. Đà Nẵng có thể coi là điểm son cho du khách hiểu về văn hóa thấm sâu vùng đất này.

Còn nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (nguyên Giám đốc Bảo tàng Chăm) cho hay: Đây là dấu tích trực quan về lịch sử TP. Đà Nẵng thời kỳ 1.000 năm về trước. Vào giai đoạn này vùng đất Đà Nẵng đã có cư dân, có các sinh hoạt xã hội phát triển. Có thể nói di tích Chăm Phong Lệ đã trở thành đại diện cho tất cả di tích của một thời kỳ lịch sử lâu đời của TP. Đà Nẵng.

Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ đã được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt chia làm ba khu vực, với các chức năng khác nhau, gồm: khu vực bảo tồn (khu vực 1, diện tích 2.653 m2), khu vực bảo vệ di tích (khu vực 2, diện tích 1.626 m2), khu vực phát huy giá trị di tích (15.461 m2). Từ cuối năm 2020, UBND TP. Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư khu vực này thành Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 và đưa dự án vào danh mục cần đầu tư giai đoạn 2020 - 2025.

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.