Đua nhau tìm nước ngầm chống hạn
Nguồn nước mặt trong các sông suối, ao hồ đã cạn kiệt khiến hàng nghìn nông hộ trên địa bàn Đắk Lắk đua nhau tìm nguồn nước ngầm để cứu cây trồng (nhất là cà phê, sầu riêng, hồ tiêu và lúa) giữa cao điểm mùa khô năm nay.
Không thể kiểm soát nổi
Giếng đào kiệt nước thì người ta nạo vét thêm, chưa đủ thì thuê máy móc khoan sâu vào lòng đất hàng trăm mét để cố tìm nguồn nước ngầm trong hoàn cảnh khô hạn gay gắt và trầm trọng như hiện nay. Cứ thế, “mạnh ai nấy làm” và mỗi mùa khô hạn đến, không biết có bao nhiêu giếng khoan, giếng đào được khoét sâu xuống để tìm nước.
Ông Y Mương Knul (buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: "Thấy cà phê, hồ tiêu khô cháy thì tìm mọi cách để cứu. Giếng cạn, tôi phải đào thêm hàng chục mét để tìm nước, thế mà vẫn không đủ tưới cho 8 sào cà phê, 3 sào hồ tiêu. Đầu tháng 4 vừa rồi, phải khoan thêm một giếng mới sâu hơn 140 m để tưới đợt ba và đợt bốn cho vườn cây. Không riêng gì ở địa bàn xã Ea Tu này, mà khắp cả vùng từ xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) sang huyện Cư M’gar, xuống thị xã Buôn Hồ… đều chọn giải pháp này nhằm bảo vệ tài sản và thành quả lao động của mình".
Gia đình ông Y Mương Knul (buôn Jù, xã Ea Tu - TP. Buôn Ma Thuột) vét và cơi nới thêm giếng đào tìm nước cứu cà phê. |
Từ đây, câu hỏi đặt ra là số lượng giếng khoan lẫn giếng đào để tìm nước ngầm trên địa bàn Đắk Lắk là bao nhiêu, mức độ khai thác ra sao thì chưa có cơ quan chức năng nào trả lời xác đáng. Có điều, trên thực tế cho thấy những gì diễn ra để tìm nguồn nước ngầm chống hạn ở đây đang rơi vào tình trạng không thể kiểm soát nổi, khiến yếu tố bền vững của nền sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương thực sự bị đe dọa.
Dựa vào kết quả khảo sát từ những năm 2018 - 2020 của nhóm nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đến các tỉnh Tây Nguyên thăm dò, tìm hiểu nguồn nước ngầm nhằm phục vụ cho quá trình mở rộng, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô tập trung hàng hóa để trình Chính phủ tham vấn và quy hoạch nền nông nghiệp bền vững cho khu vực này, trong đó có Đắk Lắk đã cho thấy: Một số vùng như Krông Pắc, Buôn Hồ, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin và phía đông TP. Buôn Ma Thuột - cứ trên một ki-lô- mét vuông (đất sản xuất nông nghiệp xen lẫn khu dân cư) có tới 150 - 180 giếng đào, giếng khoan lớn nhỏ để lấy nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt với tần suất hơn 400 triệu lít/ngày đêm. Trong đó, điều đáng lưu ý là cứ mùa khô năm sau thì số giếng khoan, đào tăng hơn năm trước và độ sâu của nó theo đó cũng gia tăng liên tục.
TS.Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, thành viên nhóm nghiên cứu trên đã nhận xét: Từ tháng 11/2023 đến nay, có gần một nửa số công trình quan trắc mực nước ngầm ở Đắk Lắk có xu hướng hạ thấp so với cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm; tình trạng này tập trung ở các huyện Krông Pắc, Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột.
Thực trạng ấy còn cho thấy vấn đề rất đáng quan ngại là nền nông nghiệp ở đây thật sự bấp bênh về nguồn nước tưới. Nếu không kiểm soát được và cứ để tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm theo kiểu “vô tội vạ” như thời gian qua cũng như hiện tại là một thách thức đặt ra, trong đó Đắk Lắk nổi lên như một “điểm nóng” hàng đầu khu vực Tây Nguyên.
Những con số “biết nói”
Có thể nói, tốc độ phát triển của nền sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk đang ngày một “phình to”, kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước càng lớn, trong đó đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm đã đến mức báo động.
Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Lượng khai thác tài nguyên nước ngầm ở đây đã vượt mức an toàn. Thông số đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm ở mức cho phép trên địa bàn Đắk Lắk đưa ra từ những năm 2010 là khoảng 4 - 4,2 triệu m3/ngày. Con số này đến nay đã tăng lên rất nhiều, có thể lên tới hơn 7 triệu m3/ngày đêm, trong đó lượng nước ngầm được khai thác vào những tháng mùa khô chiếm khoảng 80%. Tình trạng này dẫn đến hệ quả tất yếu là mực nước ngầm trên địa bàn Đắk Lắk trong khoảng 15 năm qua đã sụt giảm đáng kể và nhanh chóng.
Nhiều hộ nông dân ở thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) khai thác nước ngầm chống hạn. |
Theo nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan địa chất, sự giàu nghèo của nguồn tài nguyên nước phụ thuộc vào lượng mưa hằng năm và thành phần vật chất của lớp phủ bề mặt, cũng như mức độ lưu giữ nước của thành tạo địa chất từng vùng. Nếu để mất đi (hay suy giảm) một hoặc nhiều yếu tố trên sẽ khiến tài nguyên nước nghèo đi. Song, đến nay trên địa bàn toàn vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã để mất đi ngày càng nhiều những yếu tố quan trọng và quyết định đó. Ngoài lượng mưa hằng năm có xu hướng giảm do mùa khô kéo dài, thì tình trạng mất rừng và sự thay đổi nhanh chóng của lớp phủ bề mặt trên thành tạo địa chất (mà cụ thể là trên đất, vì mục đích quy hoạch để trồng hoa màu, cây công nghiệp và nhiều dự án nông - lâm nghiệp khác) đã làm cho mực nước ngầm sụt giảm trung bình từ 4 - 6 m.
Tình hình khô hạn ngày càng gia tăng về cả tính chất, lẫn mức độ qua từng mùa khô hằng năm. Vì thế, các ngành chức năng ở Đắk Lắk cần khẩn trương, chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước đang trở nên khan hiếm như hiện nay. Từ đó mới có thể bảo đảm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững trong thời gian tới. Nếu không, sự mất cân bằng sinh thái và ngày càng bộc lộ nhiều yếu tố không bền vững trong việc tìm kiếm, sử dụng nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở đây càng trở nên khó khăn và nóng bỏng thêm.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc