Multimedia Đọc Báo in

Hãy giúp trẻ học "sõi” tiếng Việt

09:46, 26/05/2024

Mới đây, một giảng viên ngữ văn Đại học Sư phạm Huế đã lên tiếng trên mạng xã hội, rằng các bạn trẻ, nhất là học sinh đang “khủng hoảng tiếng mẹ đẻ”, vì vốn từ tiếng Việt ngày một ít mà nhiều trẻ còn không hiểu hết nghĩa từ. Đầu mối vấn đề dường như nằm ở nhận thức về việc học tiếng Việt của nhiều người. Giảng viên trên cảnh báo, cần cho con trẻ học “sõi” tiếng Việt!

“Ngắc ngứ với tiếng Việt”

Một người bạn của tôi mới đây phàn nàn rằng đứa con trai 4 tuổi của bạn ấy bị chứng khó phát âm tiếng Việt. Điều này ngẫm lại hơi khó hiểu, vì một năm trước, bạn từng khoe con trai đã biết chút ít tiếng Anh, đếm được đến 10 và nhận diện các màu cơ bản bằng tiếng Anh. Vậy mà nay, đứa trẻ lại tỏ ra lúng túng trong sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, khả năng phát âm nhiều từ tiếng Việt trở nên khó khăn hơn.

Đem vấn đề đặt ra với giảng viên ngữ văn nói trên, câu trả lời nhận được, là đứa trẻ “bị rối ngôn ngữ”, dẫn đến gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác. Vị giảng viên lý giải: Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó học. Tiếng Việt dùng chủ yếu là từ đơn âm tiết, phát âm từng từ rất rõ ràng; nhưng do nghĩa từ tiếng Việt trộn lẫn với các ngôn ngữ khác, đặc biệt là âm Hán Việt, nên trở nên đa nghĩa và phức tạp. Một âm đọc tiếng Việt, có thể mang nghĩa thuần Việt, cũng có thể biến nghĩa qua âm Hán Việt, với hiện tượng đồng âm dị nghĩa rất phổ biến. Đã thế, trong lịch sử phát triển, nhiều từ tiếng Việt còn mượn thêm từ tiếng Pháp, tiếng Anh, nên độ phức tạp tăng lên. Tiếng Việt lại còn là ngôn ngữ có đến 6 thanh điệu, một khi phát âm ra, thay đổi thanh điệu đã diễn ra trường nghĩa khác rồi. Cho nên, để hiểu rõ tiếng Việt qua từng từ, đã là một thách thức không đơn giản. Trẻ con, để học tốt ngôn ngữ mẹ đẻ như vậy, cần phải được theo dõi, uốn nắn và hỗ trợ rất tích cực. Nếu cha mẹ thờ ơ, không nhận biết, để trẻ tự học, tự tìm hiểu thì khá khó khăn cho trẻ. Trong trường hợp trẻ lại tiếp xúc thêm ngoại ngữ khác, như tiếng Anh, nhận thức âm vị học của trẻ sẽ có vấn đề. Đứa trẻ sẽ rất dễ bị nhầm trong ngôn ngữ giao tiếp và bị rối loạn nghĩa từ.

Từ thực tế này, đứa trẻ càng lớn, càng gặp phải trở ngại về ngôn ngữ, dẫn đến việc ngại giao tiếp, ngại đối thoại với người khác. Kỹ năng nói và viết tiếng Việt của những đứa trẻ, vì thế ngày một hạn chế, thật sự là một lời cảnh báo nghiêm túc.

Cha mẹ và thầy cô cần quan tâm giúp trẻ học "sõi" tiếng Việt. Ảnh minh họa: Hữu Hùng

Cần dạy trẻ nói học “sõi” tiếng Việt

Theo xu thế xã hội, đa phần các phụ huynh đề cao cơ hội học ngoại ngữ cho con trẻ, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy tiếng Việt cho trẻ. Thực tế là, không ít học sinh trường quốc tế ở tuổi cấp 2, cấp 3, có thể dịch thành thạo một bài văn tiếng Việt qua tiếng Anh, thậm chí có thể làm cả thơ, nhưng việc “dịch ngược” về tiếng Việt lại là một khó khăn, nhiều bạn trẻ không đủ vốn liếng từ tiếng Việt tương đương để dịch.

Rõ ràng, với tình trạng “gãy khúc” nghĩa tiếng Việt mà nhiều người đã cảnh báo, các tình huống bất cập trong giao tiếp tiếng Việt của giới trẻ ngày một tăng lên, phải chăng đã đến lúc người lớn nên xem xét lại hướng đầu tư chọn lựa học tập cho con cái của mình. Bên cạnh những lựa chọn lớp học hè ngoại ngữ, các bậc cha mẹ nên nhìn nhận lại thực tế giao tiếp kém về tiếng Việt của con mình, mà mạnh dạn lựa chọn, tìm đến những lớp học tiếng Việt, để hỗ trợ cần thiết chính ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho giới trẻ.

Đương nhiên, có một trở ngại lớn mà nhiều phụ huynh đã rất băn khoăn, là thực tế các lớp dạy tiếng Việt, dạy viết chữ đẹp tiếng Việt không nhiều. Ngay ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, việc định vị được những lớp học này, bên cạnh các trung tâm ngoại ngữ, đã là rất ít ỏi; thì với các thành phố như Buôn Ma Thuột, Đồng Hới, Tam Kỳ, cha mẹ muốn tìm lớp tiếng Việt cho con học hè càng khó.

Nhìn nhận điều này, giảng viên Đại học Sư phạm Huế cho rằng, bởi lẽ lâu nay việc học tiếng Việt ở giới trẻ không được quan tâm, những thầy cô có kỹ năng cũng ngại đưa vấn đề ra, nên sự hiện diện lớp học tiếng Việt càng ít. Giải pháp duy nhất chỉ có thể là, các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện cho các con nghỉ hè thoải mái, đọc nhiều sách hơn, và đưa nhu cầu tìm lớp dạy tiếng Việt thực thụ hiệu quả lên các trang mạng xã hội. Nhu cầu đặt ra tất sẽ có đáp ứng, cứ như vậy tình hình học tiếng Việt sẽ tốt hơn, và kỳ vọng một ngày không xa, câu chuyện trở ngại khi học tiếng Việt của giới trẻ sẽ có thể được giải quyết.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.