Kết nối sản phẩm khởi nghiệp cho phụ nữ
Với hơn 200 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2024 cho thấy sự mạnh dạn, sáng tạo, năng nổ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong việc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ nguồn lực sẵn có tại địa phương.
Cơ hội học hỏi kinh nghiệm
Tại gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Buôn Hồ, ngoài các mặt hàng nông sản do chị em sản xuất còn có các sản phẩm truyền thống như bánh tro, nem, sản phẩm đan lát, thổ cẩm…
Cầm sản phẩm thổ cẩm trên tay, bà H'Nưn Mlô ở buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) kể rằng, buôn Tring là cái nôi của nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan lát. Ngày xưa gần như nhà nào cũng có khung cửi và đều biết đan lát, nhưng có một thời gian bị mai một do người làm ít dần. Mới đây, phụ nữ buôn Tring đã được đi học nghề dệt truyền thống và bà đã mạnh dạn đứng ra phụ trách việc hỗ trợ kỹ thuật cho chị em; kết nối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm.
Bà H’Nưn tự hào: “Buôn Tring hiện có 6 người dệt thổ cẩm thường xuyên với nhiều sản phẩm khác nhau như: khố, váy, áo, khăn, chăn… Tham gia trưng bày sản phẩm tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2024 đã giúp tôi có những kiến thức mới về cách thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như nhìn thấy những nét mới, đặc trưng trong sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc khác để có sự cải tiến trong sản xuất, thương mại ở tương lai”.
Bà H' Nưn Mlô (buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) giới thiệu sản phẩm tại gian hàng. |
Trưng bày gần 10 sản phẩm từ gạo lứt đen thảo dược tại gian hàng của Hội LHPN huyện Ea Súp, chị Hoàng Thị Hằng (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) cho hay, gia đình chị trồng 1 ha lúa thảo dược đen (giống lúa mang từ miền Bắc vào), mỗi năm thu về 13 tấn (vụ đông xuân thu 7 tấn, vụ hè thu được 5 tấn). Từ số lúa trên, chị đã chế biến ra các sản phẩm như: gạo lứt đen thảo dược, sữa gạo lứt, rượu gạo lứt, gạo rang… Chị Hằng chia sẻ: “Các sản phẩm từ gạo chủ yếu bán lẻ cho người tiêu dùng ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng… qua sự kết nối của mạng xã hội. Ngoài trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm thì tôi còn mời khách tham quan dùng thử sữa gạo lứt và đã nhận được sự đóng góp ý kiến về nhãn mác, bao bì sản phẩm”.
Số hóa sản phẩm khởi nghiệp
Tại ngày hội, Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức phiên livestream quảng bá, thương mại sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trên mạng xã hội vào tối 9/5. Theo đó, chủ kênh TikTok Hana Ban Mê trực tiếp livestream hạt mắc ca, trà mãng cầu, bánh kơ nia, bánh hạt, bột mắc ca, dầu gội thảo dược. Phiên livestream đã thu hút hàng trăm lượt xem, tìm hiểu và được lưu trữ trên fanpage của Hội LHPN tỉnh với mong muốn giới thiệu, quảng bá và là ví dụ sinh động để chị em học hỏi cách thức giới thiệu, bán sản phẩm trên mạng xã hội.
Chị Hoàng Thị Hằng (thứ hai từ trái sang) giới thiệu sản phẩm từ gạo lứt đen thảo dược . |
Bà H'Yer Knul, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pắc chia sẻ, thời gian qua Hội LHPN huyện đã tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm cho chị em trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tham gia trưng bày gian hàng tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh lần này đã giúp chị em gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm thị trường; học cách đưa sản phẩm quảng bá trên các kênh online. Qua đó có thể khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ địa phương từ những sản phẩm lợi thế sẵn có.
Theo đánh giá của người tiêu dùng sau khi tham quan tại các gian hàng thì sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đã thể hiện rõ những đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: trà mãng cầu, trà thảo dược, cà phê, thổ cẩm, tinh bột nghệ, mật ong, trái cây... Đặc biệt, nhiều chị em đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình trên các ứng dụng bán hàng phổ biến tại Việt Nam là: Shopee, TikTok, Facebook, Zalo…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc