Multimedia Đọc Báo in

Mùa thu hoạch sấu: Mừng ít, lo nhiều

08:41, 02/05/2024

Từ năm 2010 đến nay, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai trồng khoảng 1.600 cây sấu tại các tuyến đường như: Hà Huy Tập, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Khu dân cư Km 4-5… Thế là những năm gần đây, vào mùa thu hoạch sấu, nhiều lao động tự do đã tranh thủ hái sấu để bán, kiếm thêm thu nhập.

Thêm thu nhập từ hái sấu

Cây sấu tạo bóng mát, quả sấu có thể làm thực phẩm dùng tươi hoặc chế biến. Loại quả này có vị chua thanh, được nhiều người dân ưa chuộng nên có mức giá khá cao. Theo tìm hiểu, hiện tại giá sấu được thu mua từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Giữa cái nắng oi ả của mùa khô, gia đình bốn người của chị N.T.T. (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn tất bật thu hoạch sấu trên đường phố, đàn ông leo lên cây hái, phụ nữ ở dưới thoăn thoắt vặt lấy trái. Gia đình chị T. có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu đi làm thuê bươn chải mưu sinh; những năm gần đây có thêm nghề hái sấu kiếm thêm “đồng ra đồng vào”.

Hiện mỗi ngày, gia đình chị hái được trên 50 kg sấu, mang về ngâm và bán online với mức giá từ 50.000 đồng/kg. “Dẫu biết công việc này không được phép và nhiều nguy hiểm khi phải leo hái trên những cành cây cao, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên gia đình tôi đành phải đánh liều”, chị T. bày tỏ.

Người dân địa phương thu hoạch sấu tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Ông N.V.T. (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) nhiều năm nay sinh sống bằng nghề bán vé số với thu nhập bấp bênh nên cứ vào mùa sấu là ông tận dụng thời cơ “vàng” để kiếm thêm thu nhập.

Ông cho hay, ở vùng Tây Nguyên, sấu là loại trái cây lạ và hiếm nên rất được ưa chuộng. Bởi vậy, ông hái số lượng bao nhiêu đều được thương lái và người dân thu mua bấy nhiêu.

Hiện tại, thương lái đang thu mua với mức giá 30.000 đồng/kg, nhưng nếu mang ra chợ bán lẻ thì được 40.000 – 50.000 đồng/kg.

Trung bình sau mỗi mùa sấu, ông hái từ 20 - 30 kg/ngày, kiếm khoảng 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng/ngày. Chính vì vậy, dù mùa thu hoạch sấu chỉ kéo dài tầm 2 - 3 tháng nhưng cũng giúp ông có khoản thu nhập đáng kể.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Vào mùa cao điểm thu hoạch sấu, việc người dân đổ xô cắt cành, hái quả khiến công tác vệ sinh môi trường đô thị gặp nhiều khó khăn. Theo chị H Ít Byă (Công ty TNHH Môi trường Đông Phương) làm công việc vệ sinh môi trường tại khu vực phường Tân An, người dân dùng sào có móc sắt hoặc kéo cắt cành để hái sấu khiến số lượng rác tăng lên, việc dọn dẹp tuyến phố gặp nhiều khó khăn.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột, việc thu hoạch sấu của người dân diễn ra tự phát bằng phương pháp thủ công làm rụng lá, cành cây gây ảnh hưởng mỹ quan; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, trật tự đô thị. Đồng thời, nếu thu hái không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh.

Bên cạnh đó, mặc dù tại địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào bị tai nạn do thu hái sấu, nhưng việc đu mình trên những cành cây cao hàng chục mét mà không có thiết bị bảo hộ là rất nguy hiểm. Chưa kể, hầu hết những cây sấu thường nằm trên các tuyến đường có chằng chịt dây điện khiến việc leo trèo hay hái bằng sào, kéo cắt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cành sấu bị người dân bẻ gãy để thu hoạch tại tuyến đường Hà Huy Tập (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Võ Kỳ, Phó Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trước thực trạng trên, đơn vị đã thường xuyên tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng xâm hại cây xanh đô thị…

Ngoài ra, giao trách nhiệm cho UBND các xã, phường và Đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị thành phố đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức kiểm tra, rà soát trên địa bàn, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm về quản lý cây xanh đô thị; thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định đối với những trường hợp xâm hại cây xanh.

Đối với đơn vị được giao quản lý, chăm sóc, phải thường xuyên tổ chức bảo vệ và phối hợp với chính quyền địa phương để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu thực hiện việc cắt tỉa, thu hái quả cây xanh đô thị phải xin phép theo đúng quy định.

Thiện Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.