Nghĩa tình người Sài Gòn
Khi gõ những dòng chữ này, trước mặt tôi hiện lên nhiều hình ảnh xúc động ùa về từ quá khứ. Đó là trận lũ lụt kinh hoàng năm 1999 mà tâm điểm là tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Giữa cơn nguy khốn, truyền hình quốc gia liên tục đưa các bản tin thời sự cập nhật hình ảnh lũ lụt. Bà con tiểu thương chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) lập tức dừng ngay việc bán hàng, mở thùng và quyên góp tiền của cứu trợ đồng bào ngay giữa ngôi chợ.
Và khi nước lũ vừa rút, tôi nhớ hàng đoàn xe cứu trợ từ phía Nam, từ TP. Hồ Chí Minh ùn ùn ra miền Trung.
Một chị lớn tuổi, chủ một sạp hàng ở chợ Bến Thành theo xe ra Thừa Thiên – Huế, rặt giọng miền Nam, nói trong nước mắt: Thương quá bà con mình. Phải ra cứu trợ chớ anh.
Tôi tin người Việt ở đâu cũng thấm hiểu cái đạo lý ngàn đời ấy. Nhưng tôi vốn đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, nhiều sự kiện, tôi tin rằng cái chí tình ấy rất đậm đặc ở người phương Nam, nhất là người Sài Gòn.
Năm 2020, một trận lũ kinh hoàng nhấn chìm nhiều vùng quê duyên hải tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Sau lũ, đông nhất, nhiều nhất vẫn là những chuyến hàng và tiền cứu trợ từ phương Nam, từ gom góp chắt chiu của cư dân thành phố lớn nhất miền Nam. Tổng số tiền, hàng cứu trợ giá trị lên đến con số trăm tỷ đồng.
TP. Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn theo cách gọi thân thuộc, dân dã, là vùng đất mới so với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Từ giữa đến cuối thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, Sài Gòn là vùng đất nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, bước đầu hình thành như điểm giao thông, giao thương quan trọng của các nhà buôn người Việt, Hoa, Campuchia, Xiêm (Thái Lan).
Tiếp sau gần hai thế kỷ, khi người Pháp đô hộ, Sài Gòn được quy hoạch đô thị, nhanh chóng phát triển và phồn thịnh tới mức được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
![]() |
Ấm bụng bữa cơm 2.000 đồng giữa Sài Gòn. Ảnh: Internet |
Vậy tên gọi Sài Gòn có từ khi nào, không ai rõ. Thư tịch cổ cho thấy địa danh Sài Gòn xuất hiện sớm nhất trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) với trích đoạn: “Năm 1674, Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn”… Căn cứ dữ liệu này, có thể thấy tên gọi Sài Gòn xuất hiện đâu đó vào khoảng từ đầu đến giữa thế kỷ 17.
Là vùng đất mới, trung tâm kinh tế - thương mại của Nam Bộ xưa, thu hút lưu dân tứ xứ về lập nghiệp, dĩ nhiên, người Sài Gòn mang trong mình khí chất, tính cách của người dân phương Nam.
Song, nói thế chưa hết, do hình thành sớm môi trường đô thị nên người Sài Gòn có những nét vượt trội, riêng có.
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đã chỉ ra trong tính cách người Sài Gòn có sự phóng khoáng, nghĩa hiệp, ân tình. Ai đã từng đến, tiếp xúc đều nhận ra nét tính cách này.
Tôi nhớ, hơn ba mươi năm trước, lần đầu đến đây vào mùa thi đại học, tôi ngạc nhiên khi thấy ở nhiều con phố, nhất là những tụ điểm đông người đưa đón thí sinh luôn có các thùng nước mát lạnh với ly cốc để sẵn.
Không thấy người bán, người mua. Hỏi ra mới biết, người dân tự động bưng ra, dành cho khách đi đường uống miễn phí.
Lần nữa, chỉ ít lâu sau, tôi vào đây học lớp nghiệp vụ. Theo thói quen thời đó, bên cữ cà phê sáng, tôi gọi một em bé bán báo mua một tờ báo.
Tôi vừa đọc xong đã thấy cậu bé đứng bên hỏi, chú đọc xong chưa để con đưa tờ báo khác.
Tôi cười, chọc cậu bé dễ thương: “Thôi, chú chỉ đủ tiền mua một tờ”. Cậu bé lắc đầu quầy quậy, giọng Sài Gòn rất đáng yêu: “Con đâu lấy tiền nữa. Chú đổi mà đọc. Con lấy lại tờ kia mang đi bán”. Trời đất! Nhiều chuyện lắm, kể mãi không hết. Ví như lạc đường, hỏi một câu là có người ân cần chỉ bày cặn kẽ. Nào đi thẳng, quẹo phải, quẹo trái…, nhiều khi còn có người nhiệt tình dẫn đi. Bước chân xa rồi còn nghe tiếng lao xao sau lưng: “Ở ngoải zô chưa gành đường ha”... (Ở ngoài kia vào chưa rành đường ha).
Mới thôi, chưa xa. Cái trận dịch COVID–19 như cơn bão sinh tử tràn qua. Ngày nào, đêm nào, ai cũng quan tâm tình hình dịch bệnh qua truyền hình, phát thanh, mạng xã hội…
Sài Gòn một dạo phong thành, khó khăn nhất vẫn là dân tứ xứ đến Sài Gòn lập nghiệp, ở trong những khu trọ thiếu thốn đủ bề. Vậy rồi, ngoài việc của chính quyền, nhiều nhóm cư dân tự nguyện mang bình ôxy, thực phẩm… đến tận các ngõ ngách trong thành phố.
Tấm lòng của người dân Sài Gòn bấy giờ chỉ có thể thốt lên hai từ: Hào hiệp, nghĩa tình.
Đoạn cuối đợt phong thành, con gái tôi du học từ nước ngoài về, xuống sân bay Tân Sơn Nhất phải vào cách ly ở Thủ Đức.
Tôi ngại ngần nhưng tình thế buộc phải cầu cứu mấy bạn thân là người Sài Gòn. Rất nhanh chóng, những người bạn của tôi đã tiếp tế cho cháu đầy đủ, nào là sim điện thoại, giày dép, thực phẩm cần thiết. Nhờ vậy mà cháu, dù cách ly gần 3 tuần vẫn có đủ sức khỏe và điều kiện để tham gia học online đầy đủ với lớp học ở cách xa nửa vòng trái đất.
Sau này cháu về nhà, kể: “Ở khu cách ly có rất đông người Sài Gòn. Vui lắm. Có chú Chí Tài (Nghệ sĩ Chí Tài, đã mất, người Sài Gòn chính hiệu) cũng cách ly, ở gần phòng con. Không gặp nhau được nhưng lúc nào rảnh chú lại xách cây ghi ta đàn hát, ra dấu bọn con mở cửa sổ nghe chú biểu diễn miễn phí”...
Những hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong đời, khiến tôi vào đợt cuối dịch COVID–19 cách đây hai năm, nửa đêm ngồi dậy viết bài thơ về Sài Gòn với những câu: … “bánh mì 0 đồng, cơm miễn phí/ người miền Tây, miền Bắc, miền Trung/ có nhớ Sài Gòn những ngày tươi đẹp/ tự đáy lòng mình nuôi nhân nghĩa, bao dung// chẳng biết Lai Châu ở đâu nghe quý zị/ Quảng Trị chốn nao dì Tư đâu có hay/ nhưng lũ lụt, bão giông thì anh Hai nói thiệt/ đau ngoài kia đau tới ở trong này//… thành phố ở đâu trong giấc mơ kẻ khác/ vàng lá me bay, thơm áo lụa Hà Đông/ tôi chỉ có một Sài Gòn duy nhất/ là chốn ân tình sâu nặng, mênh mông”…
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc