Multimedia Đọc Báo in

Người Vân Kiều mang họ Bác Hồ

09:35, 28/05/2024

  Trước đây đồng bào dân tộc Vân Kiều vốn không có họ, chỉ có tên thôi.

Đến năm 1957, khi biết tin Bác Hồ kính yêu vào thăm tỉnh Quảng Bình, đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Trị sống ở đặc khu Vĩnh Linh liền cử ông Hồ Ray ra xin gặp Người. Ông Hồ Ray đề đạt nguyện vọng với Bác, xin cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được mang họ Hồ. Bác vui vẻ đồng ý. Tin mừng như cánh chim rừng bay hoài không mỏi, đồng bào vùng cao Quảng Trị đầu non cuối núi đều phấn khởi vô cùng. Họ tự hào khôn xiết, tổ chức hội thề coi xa gần đều là anh em kết nghĩa, vui buồn với nhau, sống chết có nhau một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng.

Thế hệ trẻ Bru Vân Kiều (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tìm hiểu về nghi thức cúng lúa mới của cộng đồng mình.
Thế hệ trẻ Bru Vân Kiều (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) tìm hiểu về nghi thức cúng lúa mới của cộng đồng mình. Ảnh: Nguyên Hoa

Lời thề sắt son ấy vẫn vẹn nguyên qua bao gian nan, thử thách cho đến ngày hòa bình, thống nhất và đến hôm nay. Đúng như lời hát của nhạc sĩ Huy Thục trong bài ca “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư ”: “Người Vân Kiều có tấm lòng trong trắng, như đóa hoa xinh đẹp giữa rừng. Bão tố cây rung mà lòng không lay...”.

Tôi nhớ lần gặp bà mẹ vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị) Hồ Thị Đá, một phụ nữ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Chồng con của bà đều đã anh dũng hy sinh vì chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Do gan dạ, mưu trí, lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bà là một trong những người con miền Nam ra thăm miền Bắc trong những tháng ngày ác liệt nhất. Vinh dự hơn, bà còn được gặp Bác Hồ.

Trong cuộc gặp gỡ vô cùng đáng nhớ này, Bác Hồ đã căn dặn cô gái vùng cao Quảng Trị về lại miền Nam phải kiên cường, bền bỉ đấu tranh để thống nhất nước nhà. Mẹ Đá còn được Bác tặng một chiếc gương để soi mình giữ vững khí tiết trong cuộc chiến cam go một mất một còn; một hộp diêm Thống Nhất để nhắc nhở đồng bào các dân tộc phải chiến đấu ngoan cường thì Bắc - Nam mới sum họp một nhà.

Đặc biệt hơn, Bác đã tự mình đặt tên mới cho bà là Hồ Thị Đá, ngụ ý tinh thần dũng cảm phải cứng như đá núi. Vậy là cả họ và tên của bà đều được nhận từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Những kỷ niệm và kỷ vật thiêng liêng được mẹ Đá nâng niu gìn giữ qua những tháng năm sự sống chết chỉ trong gang tấc. Những khi gặp gian lao, nguy hiểm, bà lại tự nhủ lòng phải sống xứng đáng với họ tên của Bác Hồ đã ưu ái tặng cho.

Đi lên vùng cao Đắkrông (Quảng Trị) hôm nay, nhiều người sẽ nhận thấy bức tranh thay đổi ở miền núi. Ông Hồ Văn Chiến ở xã Hướng Hiệp tuổi tác đã cao, cống hiến cũng nhiều, nhưng ông không chịu nghỉ ngơi mà vẫn năng nổ tham gia việc xã hội, trăn trở theo bản làng. Còn nhớ hôm trò chuyện, ông hãnh diện khoe với tôi bức ảnh chụp chung với nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi tiếp các già làng trưởng bản tiêu biểu. Còn trong ngôi nhà ông Hồ Văn Hùng ở xã Hướng Hiệp, thầy lang tốt bụng hay giúp người hoạn nạn cũng đã cho tôi thấy ngày mới vùng cao rạng ngời qua tâm sự.

Ông kể, giọng nói không giấu vẻ tự hào: “Tôi có bốn cháu đều đã trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Các con tôi một bác sĩ, một kỹ sư và hai giáo viên. Vợ chồng tôi làm ăn cố gắng hết mình, trồng mấy héc-ta rừng, trồng sắn mỗi vụ cũng được năm chục triệu đồng, nhiều bà con ở đây cũng xóa đói giảm nghèo từ cây sắn, từ rừng trồng, không ít hộ vươn lên khá giả”.

Tất cả những con người ấy, bằng tâm lực của mình mong mỏi góp phần thay đổi diện mạo vùng cao. Và như một lẽ thường tình, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô vẫn đang hòa mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam để tô bồi cho quê hương, đất nước, với quyết tâm sắt đá phải kiến thiết và bảo vệ hết sức mình mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc