Multimedia Đọc Báo in

An nhàn khi tuổi già có lương hưu

08:39, 03/06/2024

Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, bảo đảm cuộc sống ổn định, không phụ thuộc vào gia đình hay xã hội... là ý nghĩa thiết thực mà chính sách đã và đang hướng tới.

Trước đây, nhiều người có suy nghĩ chỉ khi nào đi làm tại cơ quan nhà nước hoặc ở các doanh nghiệp thì khi về già mới có lương hưu, chứ không biết rằng mỗi người dân, lao động tự do cũng có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động nếu tham gia BHXH tự nguyện. Có lương hưu đồng nghĩa với việc người dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, tự chủ hơn trong cuộc sống của mình.

Là nhà giáo đã nghỉ hưu được gần 15 năm, vợ chồng ông Nguyễn Minh Tân (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) hiện đang hưởng lương hưu với số tiền hơn 15 triệu đồng/tháng. Trong đó, lương hưu của ông Tân là hơn 10 triệu đồng, còn vợ ông được gần 5 triệu đồng. Từ khi nghỉ hưu đến nay, hằng ngày hai ông bà không phải lo đến chuyện cơm áo nữa mà tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe, vui sống cùng con cháu. Cuộc sống ổn định, con cái lớn khôn, đặc biệt sức khỏe còn tốt và kinh tế dư dả nên năm nào vợ chồng ông cũng đưa nhau về thăm quê hương, họ hàng ở Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Minh Tân an nhàn vui thú tuổi già.

Ông Tân chia sẻ: “Sau những năm tháng bận rộn trong công việc, từ khi nghỉ hưu, một ngày của vợ chồng tôi bắt đầu bằng việc dậy sớm tập thể dục, ăn sáng rồi chăm chút mấy cây cảnh trong sân nhà. Sau đó trò chuyện, đánh cờ với những người bạn già hay lui tới thăm nom, vui chơi với con cháu mà không phải lo nghĩ đến kinh tế, chi tiêu bởi với lương hưu hằng tháng chúng tôi chẳng dùng hết, thậm chí còn có thể phụ giúp thêm cho con cháu khi cần”.

Bà Hiền - vợ ông Tân cho hay, ngôi nhà của ông bà rộng rãi, thoáng đãng và nằm ngay khu vực chợ, trường học nên nhiều người thường hỏi sao không tận dụng để buôn bán hay cho thuê, bà thường trả lời là hai vợ chồng đều có lương hưu, không phải lo kinh tế thì cho thuê làm gì, để ở cho có không gian sinh hoạt thoải mái.

Có thể thấy, sau nhiều năm làm việc, khi tuổi già có đồng lương hưu là điểm tựa vững chắc không chỉ cho bản thân người lao động mà giảm cả gánh nặng cho gia đình, con cháu và xã hội. Ngược lại, khi không có lương hưu, người lao động sẽ phải đối mặt với tuổi già vất vả, phụ thuộc con cháu, thậm chí sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

Nhân viên Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột chi trả lương hưu cho người dân.

Chị Trần Thị Tuyên (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) trước đây công tác trong một cơ quan nhà nước, đã tham gia BHXH được 8 năm. Khi nghỉ việc để chuyển về quê ở tỉnh Thái Nguyên sinh sống, chị không nhận BHXH một lần mà quyết định đến BHXH huyện Krông Búk làm thủ tục thay đổi để tiếp tục tham gia tại quê nhà. Chị Tuyên tâm sự, chừng đó thời gian tham gia BHXH cũng là khá dài trong khi tuổi cũng đã ngoài 50 nên tôi sẽ tiếp tục tham gia theo hình thức tự nguyện để sau này khi hết tuổi lao động có đồng lương trang trải, chi tiêu cho cuộc sống.

Hưu trí là chế độ cốt lõi của chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi làm việc. Lương hưu giúp người lao động khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ BHYT được cấp miễn phí để chăm sóc sức khỏe. Biết vậy nhưng hiện nay, chỉ vì cần một số tiền trước mắt, nhiều người đã từ bỏ quyền lợi được lĩnh lương hưu khi về già của mình. Trong đó, có những người đã đóng BHXH với quãng thời gian dài trên 10 năm; thậm chí có những người sau khi đủ tuổi nghỉ hưu đã quyết định hưởng BHXH một lần. Số tiền nhận một lần có khi lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng không ai dám chắc có đủ để giúp họ trang trải những năm tháng tuổi già.

Do đó, để người dân, người lao động hiểu sâu hơn nữa về ý nghĩa, quyền lợi, tính nhân văn của BHXH, ngành BHXH và chính quyền các địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân dành khoản chi tiêu nhỏ tham gia BHXH tự nguyện để hướng đến tuổi già an nhàn; đồng thời, nâng cao nhận thức, không nên rút, nhận BHXH một lần mà bỏ đi quyền lợi được hưởng lương hưu.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.