Multimedia Đọc Báo in

Bàn thêm về “từ Hán Việt”

11:05, 09/06/2024

Báo Đắk Lắk số ra ngày 11/4/2024, trong mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” có đăng bài “Cần xem lại cách dùng từ “xâm nhập mặn” của tác giả Thụy Bất Nhi. Bên cạnh những kiến giải thú vị, bài viết này còn một số vấn đề cần trao đổi thêm, nhất là về từ Hán Việt.

Trong bài viết này, sau khi phân tích tính bất hợp lý của cách dùng “xâm nhập mặn”, tác giả Thụy Bất Nhi đề xuất thay từ này bằng "từ thuần Việt là “nhiễm”. Lý do của đề xuất này, theo tác giả, là “dùng từ “nhiễm” vừa đơn giản dễ hiểu, vừa chính xác, hợp yêu cầu sử dụng trong sáng tiếng Việt, hạn chế dùng từ Hán Việt hay từ tiếng Trung Quốc”.

Trước hết, về từ “nhiễm”, có lẽ tác giả bài báo đã nhầm lẫn khi cho rằng đây là “từ thuần Việt”. Kỳ thực, “nhiễm” lại là một từ Hán Việt. Theo Hán Việt tự điển của tác giả Thiều Chửu, “nhiễm” thuộc bộ “mộc”, nghĩa gốc là “nhuộm” (“nhuộm” trong tiếng Việt chính là biến âm của “nhiễm” này), rồi mở rộng nghĩa “nhiễm dần”, “lây sang”. 

“Nhiễm” đi vào tiếng Việt vừa được sử dụng độc lập, vừa tham gia cấu tạo nhiều từ như “nhiễm bệnh”, “nhiễm điện”, “nhiễm độc”, “nhiễm  khuẩn”, “nhiễm trùng”, “nhiễm từ”, “nhiễm xạ” hay “lây nhiễm”, “truyền nhiễm”… Trong tiếng Việt, có nhiều từ Hán Việt được Việt hóa cao độ, được sử dụng phổ biến đến mức người ta không còn nhận ra gốc Hán của chúng. “Nhiễm” cùng với “hoa”, “quả”, “cao [thấp]”, “[giống] như”, “xa  [gần]”, “dư [thừa]”… là những từ như vậy. Điều này khiến không ít từ Hán Việt bị nhầm là thuần Việt, mà “nhiễm” như trong cách dùng của tác giả Thụy Bất Nhi là một trường hợp tiêu biểu.

Trong diễn giải về lý do để thay thế “xâm nhập mặn” bằng “nhiễm” đã dẫn ở trên, chúng ta có thể thấy hàm ý một trong những “yêu cầu sử dụng trong sáng tiếng Việt” là “hạn chế dùng từ Hán Việt và từ tiếng Trung Quốc” của tác giả Thụy Bất Nhi. Ở đây, chỉ xin bàn thêm về vấn đề sử dụng từ Hán Việt.

Cần khẳng định rằng, trong vốn từ vựng tiếng Việt hiện đại, từ Hán Việt chiếm một tỷ lệ rất cao (các nhà ngôn ngữ học thống nhất là trên 60%), chưa kể các vốn từ Việt gốc Hán khác (một số nhà ngôn ngữ gọi là “tiền Hán Việt”, “hậu Hán Việt”). Hơn nữa, trong nhiều ngữ cảnh, từ Hán Việt đem lại những hiệu quả diễn đạt mà các lớp từ vựng khác khó có được (chẳng hạn tính khái quát, trừu tượng, trang trọng…). Nhưng quan trọng hơn, như cố học giả An Chi đã nhiều lần khẳng định, từ Hán Việt hay rộng hơn là từ Việt gốc Hán, cũng như từ Việt có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác (tiếng Chăm, Khmer, Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ…) đều là tiếng Việt (chúng tôi nhấn mạnh). Đây là sản phẩm ngôn ngữ do người Việt vay mượn, Việt hóa và phục vụ đắc lực cho nhu cầu giao tiếp, biểu hiện tâm hồn của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Vay mượn là quy luật tất yếu của mọi ngôn ngữ. Trong quá trình vay mượn, sẽ có những từ, cách diễn đạt bị đào thải. Nhưng cũng có không ít từ ngữ được bảo lưu vì những giá trị không thể thay thế của chúng, trở thành tài sản chung trong vốn từ vựng của tiếng nói mỗi dân tộc, trong đó có tiếng Việt.

Vậy thì, để đáp ứng “yêu cầu sử dụng trong sáng tiếng Việt”, không thể hạn chế dùng từ Hán Việt (cũng như các từ ngữ vay mượn khác) một cách thụ động. Một lý do đơn giản là trong tiếng Việt có rất nhiều từ Hán Việt không có từ thuần Việt tương đương để thay thế. Vấn đề ở chỗ là người viết, nói phải chủ động sử dụng từ Hán Việt nói riêng, từ ngữ vay mượn nói chung một cách hợp lý, linh hoạt. Chúng ta không “sính” hay sử dụng tùy tiện, cẩu thả lớp từ này, nhưng đồng thời, biết khai thác những giá trị biểu đạt của chúng. Sử dụng từ ngữ vay mượn một cách phù hợp, hiệu quả chính là một trong những cách giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vậy.

Phạm Khánh Ngân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.