Multimedia Đọc Báo in

Đề tài - nỗi trăn trở của nhà báo

09:53, 26/06/2024

Năm nào cũng vậy, vào tháng 6, giới nhà báo thường xôn xao với các giải thưởng báo chí từ Trung ương đến địa phương. Khi danh sách các tác phẩm đoạt giải được công bố, nhiều nhà báo giật mình: sao đồng nghiệp lại có những đề tài mà mình cũng cảm thấy nhưng lại không nghĩ ra được?

Rèn luyện kỹ năng

Tôi nhớ khi làm phóng viên ở Báo Đắk Lắk, vào một buổi sáng đang ngồi uống cà phê thì chúng tôi nghe thông tin ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) có hiện tượng bất thường là ngập lụt ngay trong mùa khô. Vậy là tôi và phóng viên Đình Đối tức tốc phóng xe máy xuống hiện trường, dạo quanh khắp xã, chứng kiến cảnh ngập lụt, tìm gặp người dân, lãnh đạo địa phương để nắm rõ tình hình. Sau đó, chúng tôi có ngay bài viết: “Ea Pô xôn xao nước nổi” với việc mô tả hình ảnh vùng quê đang bị ngập lụt giống như cảnh ở miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi.

Trường Sa luôn là đề tài bất tận của các nhà báo khi có dịp tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa.

Lần khác, vào ngày Chủ nhật, nhưng khi nghe tin có sự cố mưa lớn gây lở đường ở đèo Phượng Hoàng (huyện M’Drắk), chúng tôi cũng phóng xe máy xuống ngay hiện trường và sau đó có luôn bài viết: “Đèo Phượng Hoàng núi lở đường trôi” gửi tòa soạn cho kịp ra số báo hôm sau.

Kể lại chuyện cũ để thấy, trong quá trình tác nghiệp, bắt gặp được sự kiện, đề tài hay đối với mỗi nhà báo phải nói là “sướng vô cùng”. Nói như Thạc sĩ Phan Văn Tú, Chủ nhiệm bộ môn báo chí Khoa Báo chí - Truyền thông (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) thì khả năng tác nghiệp như nhau nhưng ai có đề tài hay sẽ thành công hơn trong nghề. Kỹ năng tìm đề tài, góc tiếp cận cho một tác phẩm báo chí gắn liền với nghề báo ở mọi lứa tuổi. Làm báo lâu năm cũng đau đáu đề tài. Sinh viên mới ra trường cũng trắng đêm trăn trở, suy nghĩ về đề tài. Làm biên tập cũng suy tư về đề tài để có thể tư vấn cho phóng viên; làm lãnh đạo báo chí cũng phải nghĩ đề tài để chỉ đạo; phóng viên thì hằng ngày, hằng giờ đều nung nấu tìm góc tiếp cận hay, mới, độc đáo để có tác phẩm.

Có thể nói không ngoa rằng, trong thành công của một tác phẩm báo chí, có đề tài hay chiếm đến 80%. Đề tài hay có được nhiều khi do may mắn. Nhưng cuộc đời làm báo cũng giúp cho nhiều người có kỹ năng thu thập và tìm góc tiếp cận đề tài. Cùng dự một hội nghị, cùng dự một cuộc họp báo, nếu hàng trăm nhà báo đều tường thuật như nhau thì còn gì để phân biệt. Kỹ năng tìm góc tiếp cận cho tác phẩm báo chí là một kỹ năng tổng hợp, phải được rèn luyện, phải biết cách học và tự học.

Tìm đề tài ngay trong đời sống

Đề tài ở ngay trong đời sống của mình: một vụ cháy, một tai nạn giao thông, một buổi chiều đường mưa ngập nước… Tất nhiên, nhiều đề tài không rõ rệt như vậy cho ta chọn lựa và ta cũng không nên ngồi chờ cho các diễn biến xảy ra, hay chờ lãnh đạo giao công việc, phải tự mình nghĩ ra các ý tưởng để viết bài.

Các phóng viên, nhà báo say mê tác nghiệp.

Các nhà báo chuyên nghiệp thường xuyên giữ liên lạc với các cơ quan, tổ chức của chính quyền hay các ban, ngành. Những nhà báo giàu kinh nghiệm có cả lịch công tác, kế hoạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong mảng mình phụ trách. Và khả năng tìm đề tài nhanh cũng tỷ lệ thuận với vốn sống, vốn tích lũy từ nhiều chuyến đi thực tế, từ trong sổ tay, máy ghi âm chưa dùng hết, từ các mối quan hệ…

Nhà báo giỏi có thể tìm đề tài ngay khi đọc các báo khác, nghe phát thanh, xem truyền hình, lướt mạng... Tất nhiên, họ luôn biết tìm những khía cạnh khác mà các cơ quan báo chí đăng thông tin ấy chưa giải đáp. Phát hiện khía cạnh mới cho sự kiện, vấn đề đã đăng phát cũng là cách tìm đề tài.

Cũng có thể tìm ý tưởng từ việc nói chuyện với mọi người trong gia đình, trong quán cà phê, bàn nhậu hay những người hàng xóm. Các ý kiến và những mối quan tâm của người dân có thể là nền tảng để phát hiện những góc tiếp cận hấp dẫn.

Đa phần đề tài đến từ khả năng quan sát: Có gì đặc biệt trên đoạn đường mình đi sáng nay, một chung cư nào mới xây, một ngôi trường nào đang sửa, một chỗ xả rác bẩn, một hàng quán nào treo biển hiệu lộn xộn, một bộ phim đang chiếu thu hút khách…

Đề tài trong làm báo rất đa dạng, có thể đó là đề tài bình luận, đề tài cho một tiểu phẩm, đề tài cho một chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh…

Mạnh Phong

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.