Để trạm dừng nghỉ không “đi sau” hạ tầng đường bộ
Trạm dừng nghỉ đường bộ được xem là nơi nghỉ ngơi, ăn uống của lái xe và hành khách sau một chặng đường dài di chuyển.
Tuy nhiên, việc xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ trên phạm vi toàn quốc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, thậm chí đi sau, chưa theo kịp với thực tế xây dựng hạ tầng giao thông.
Đối với các quốc gia trên thế giới, trạm dừng nghỉ rất phổ biến, nó được quy hoạch cùng với hệ thống giao thông đường bộ và có nhiều chức năng khác nhau.
Tại Nhật Bản - một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng hệ thống trạm nghỉ dọc đường cao tốc - mô hình trạm dừng nghỉ được xây dựng theo các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, thương mại và xã hội, tạo ra cơ hội kinh doanh, việc làm và các hoạt động văn hóa, giáo dục... cho người dân địa phương.
Những trạm dừng nghỉ này không chỉ đáp ứng nhu cầu đối với lái xe, hành khách đi đường mà còn cả người dân địa phương khi cần thư giãn, nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh và được gắn thêm nhiều chức năng khác như cung cấp thông tin giao thông, quảng bá du lịch. Theo thống kê sơ bộ trên “đất nước mặt trời mọc” này có hơn 1.000 trạm dừng nghỉ trên hệ thống đường cao tốc.
Trạm dừng nghỉ tại Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột. |
Còn tại Việt Nam, trạm dừng nghỉ đường bộ được hiểu là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.
Hệ thống trạm dừng nghỉ phải phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trên thực tế trạm dừng nghỉ đường bộ ở nước ta tích hợp nhiều chức năng tổng hợp bao gồm cả bến xe, trạm dừng nghỉ, dịch vụ hàng hóa, kho bãi…
Trong những năm trở lại đây, số lượng phương tiện vận tải tăng cao, song hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cho giao thông đường bộ còn thiếu và yếu.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt hệ thống trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông gồm 36 trạm. Trong đó, có 6 trạm đã đưa vào khai thác, các trạm còn lại đang đầu tư hoặc chờ chủ trương xây dựng theo từng giai đoạn. Bộ yêu cầu các quản lý dự án, chủ đầu tư triển khai các thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư để đưa vào khai thác trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành dự án thành phần đường cao tốc năm 2025.
Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi QCVN: 2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, trong đó có nhiều quy định mới về xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ, có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2024. Các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn này trước ngày 1/1/2027.
Theo thông tư này, trạm dừng nghỉ đường bộ được chia làm 4 loại, gồm: loại 1 diện tích tối thiểu là 10.000 m2, loại 2 diện tích tối thiểu 5.000 m2, loại 3 diện tích tối thiểu 3.000 m2, loại 4 diện tích tối thiểu 1.000 m2. Trong đó, khu vực đỗ xe quy định diện tích tối thiểu dành cho khu đỗ xe chiếm 50% diện tích tối thiểu của trạm.
Các trạm dừng nghỉ phải có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; trạm cấp nhiên liệu; khu vệ sinh, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông…
Đường lưu thông trong trạm dừng nghỉ phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp (nhưng bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10 m tính theo tim đường) để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực trạm dừng nghỉ…
Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, nhất là trong môi trường hội nhập toàn cầu, việc sửa đổi quy chuẩn và quan tâm ưu tiên, tạo cơ chế thoáng trong xây dựng các trạm dừng nghỉ đường bộ tích hợp nhiều tính năng, đặc biệt đối với các tuyến cao tốc là hết sức cần thiết.
Việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ cần được tiến hành song song với quá trình triển khai các dự án giao thông trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách và nhu cầu của người dân.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc