Giải pháp nào cho các trường THPT tuyển sinh thiếu chỉ tiêu?
Sở GD-ĐT đã công bố điểm chuẩn và số lượng học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 bằng phương thức thi tuyển.
Cùng thi đề chung của Sở GD-ĐT, nhưng kết quả có sự khác biệt: điểm số thấp; biến động giữa các địa phương lớn; nhiều thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống)... khiến các trường được lựa chọn tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển không tuyển sinh đủ chỉ tiêu.
Điều này sẽ dẫn đến tình trạng trường không đủ học sinh để tổ chức giảng dạy theo quy mô sẵn có; học sinh tiếc nuối vì không được học tại môi trường học tập như mong muốn; khó khăn trong công tác quản lý, điều hành hoạt động giáo dục tại các trường cũng như toàn ngành...
Nhiều trường thiếu chỉ tiêu
Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT hằng năm được Sở GD-ĐT giao cho các trường dựa theo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực (44 học sinh/lớp) và nhu cầu học tập…
Về phổ điểm kết quả thi tuyển cho thấy: môn Ngữ văn có 4.921 thí sinh đạt điểm trên trung bình - trên 5 điểm (chiếm 62,52% tổng số thí sinh dự thi); môn Tiếng Anh có 3.224 thí sinh đạt điểm trên trung bình (chiếm 40,96%), môn Toán có 2.810 thí sinh đạt điểm trên trung bình (chiếm 35,7%). Môn Toán là môn bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) nhiều nhất với 1.799 thí sinh (chiếm 22,8% tổng số thí sinh dự thi); Ngữ văn có 74 thí sinh bị điểm liệt (chiếm 0,94%); Tiếng Anh có 14 thí sinh bị điểm liệt (chiếm 0,002%).
Trong số 12 trường tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển thì có 4 trường tuyển đủ chỉ tiêu đề ra là: Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột); Trường THPT Dân tộc nội trú Đam San (thị xã Buôn Hồ) và Trường THPT Ea H’leo (huyện Ea H’leo). Hai trường có số lượng học sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu đề ra là: Trường THPT Buôn Ma Thuột (vượt 10 chỉ tiêu), Trường THPT Lê Quý Đôn (vượt 13 chỉ tiêu).
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại Điểm thi Trường THPT Ngô Gia Tự. |
6 trường còn lại tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đề ra, thiếu 702 chỉ tiêu (tương ứng gần 16 lớp). Cụ thể, Trường THPT Krông Ana (huyện Krông Ana) còn thiếu 192 học sinh; Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng) thiếu 179 học sinh; Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc) thiếu 118 học sinh; Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar) thiếu 84 học sinh; Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) thiếu 67 học sinh và Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) thiếu 62 học sinh.
Kết quả trúng tuyển cho thấy điểm chuẩn vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch giữa hai trường THPT tại TP. Buôn Ma Thuột và những trường THPT các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Trường THPT Buôn Ma Thuột và THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) có điểm chuẩn là 15,75; các trường còn lại rất thấp, dao động từ 5 – 6 điểm/3 môn thi tuyển.
Vì sao kết quả kỳ thi lại có sự chênh lệch về điểm số giữa các địa phương như vậy? Lý giải nguyên nhân này, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng: Sau 10 năm, năm học 2024 - 2025 tỉnh mới triển khai tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển nên các em học sinh chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng thi cử; bởi từ lớp 1 đến lớp 9 các em chưa trải qua kỳ thi chung của tỉnh mà chỉ có bài kiểm tra cấp trường, cấp phòng. Bên cạnh đó, quy trình đánh giá học sinh tại các địa phương, nhà trường lại khác nhau; đề kiểm tra, đánh giá không đồng đều... Điều đó dẫn đến thực tế là trường thì đánh giá quá chặt, trường lại quá dễ dãi; kết quả đánh giá ở mỗi năm học cũng tác động đến chất lượng dạy và học của mỗi lớp, khối lớp, các trường và cả cấp học.
Cần có "cơ chế đặc thù"
Để giải quyết câu chuyện nhiều trường tuyển sinh thiếu chỉ tiêu, phương án của Sở GD-ĐT là giảm số lớp và chuyển chỉ tiêu còn lại cho các trường cùng địa bàn. Phương án này nghe qua có vẻ hợp lý nhưng về sâu xa lại mâu thuẫn. Bởi việc giao chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo điều kiện dạy học (cơ sở vật chất, nhân lực, chất lượng giáo dục) của mỗi trường và nhu cầu học tập của học sinh. Nếu chuyển chỉ tiêu sang cho các trường còn lại thì liệu các trường “được” tuyển thêm ngoài chỉ tiêu đó có bảo đảm được điều kiện tổ chức dạy học có chất lượng như yêu cầu Bộ GD-ĐT đưa ra? Trong khi đó, những trường thiếu chỉ tiêu tuyển sinh thì cơ sở vật chất có thể phải “bỏ không”, đội ngũ giáo viên không có học sinh để dạy...
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 tại Điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột. |
Trước thực tế này, nên chăng ngành giáo dục cần có “cơ chế đặc thù” cho các trường đang thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, bởi những trường này có chất lượng tốt, được lựa chọn để tổ chức thí điểm tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển. Cụ thể, có thể hạ mức điểm liệt xuống 0 điểm hoặc tuyển thêm bằng hình thức khác; cũng có thể tuyển bổ sung học sinh vào trường bằng hình thức xét học bạ đối với những học sinh có nguyện vọng học tại trường thông qua hồ sơ đăng ký thi tuyển...
Năm học 2023 – 2024 toàn tỉnh có khoảng 30 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS; trong đó hệ thống tuyển sinh đầu cấp của tỉnh đã tiếp nhận được 28,39 nghìn hồ sơ tuyển sinh (thi tuyển và xét tuyển) vào 53 trường THPT công lập tương ứng với hơn 21 nghìn chỉ tiêu (175 – 616 chỉ tiêu/trường). Con số này cho thấy nhu cầu học THPT của học sinh rất lớn và chính đáng. Việc tạo “cơ chế đặc thù” cho các trường tổ chức thi tuyển thí điểm thiếu chỉ tiêu vừa phát huy hiệu quả nguồn lực sẵn có, vừa đáp ứng mong mỏi của người dân.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc