Hội thi “Tìm hiểu về công tác cải cách hành chính và văn hóa công sở” năm 2024:
Ấn tượng và lan tỏa về mặt truyền thông
Diễn ra trong hai ngày 30 và 31/5, Hội thi “Tìm hiểu về công tác cải cách hành chính (CCHC) và văn hóa công sở” năm 2024 do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức để lại nhiều ấn tượng và sự lan tỏa về mặt truyền thông.
Hội thi thu hút 29 đơn vị với 270 thí sinh tham gia. Các đội dự thi đã nỗ lực thể hiện kiến thức, năng khiếu và khả năng sáng tạo qua các phần thi: trang phục công sở kết hợp chào hỏi, tìm hiểu kiến thức, thuyết trình hoặc tiểu phẩm.
Nhiều đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, sáng tạo nội dung và hình thức thể hiện tốt nhất phần thi nhằm chuyển tải thông điệp cụ thể về công tác CCHC tại đơn vị mình. Theo dõi phần thi thuyết trình hoặc tiểu phẩm, khán giả dễ dàng hiểu, thông cảm với những câu chuyện, tình huống “dở khóc dở cười”, thậm chí là “tréo ngoe” mà cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị gặp phải trong quá trình tiếp xúc với người dân đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do sở, ngành mình thực hiện.
Tiểu phẩm dự thi "Công dân 4.0" của Công đoàn cơ sở Báo Đắk Lắk. |
Đơn cử, tiểu phẩm “Hãy nêu gương” của Công đoàn cơ sở (CĐCS) Văn phòng UBND tỉnh bàn đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước, địa phương và người dân trong thực hiện CCHC. Trong đó, "gốc" của CCHC là sự đồng thuận của người dân và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần thượng tôn pháp luật, luôn lắng nghe, tôn trọng, thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp…
Hay như tiểu phẩm “Ấm lòng đêm 30 Tết” của CĐCS Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên mang đến câu chuyện cảm động của người cán bộ giao gạo cứu đói ngày 30 Tết, ẩn sâu trong đó là thông điệp xây dựng người cán bộ vừa tận tụy, sẵn sàng thực hiện cứu trợ cho người dân vùng khó khăn bất kể ngày đêm, hoàn cảnh, vừa thân thiện, chuyên nghiệp hướng dẫn người dân cách áp dụng CCHC để kiểm tra chất lượng gạo. Chính họ là “cầu nối’ để dân tin, dân hiểu về các chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước chăm lo cho người dân.
Trên hành trình thực hiện chuyển đổi số trong CCHC, Báo Đắk Lắk với tiểu phẩm “Công dân 4.0” đã đề ra cách làm phù hợp, bám sát thực tiễn, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và cũng là mục tiêu, động lực để cùng tham gia và thụ hưởng lợi ích mà CCHC gắn với chuyển đổi số mang lại. Từ đó, từng bước làm thay đổi về lối sống, cách làm việc, phương thức sản xuất, góp phần hình thành những công dân số, xã hội số, kinh tế số...
Hội thi cũng tạo điều kiện để mỗi cán bộ, công chức, viên chức trau dồi, thể hiện kỹ năng thuyết trình của mình. Thí sinh Nguyễn Minh Trâm (CĐCS Cục Hải quan Đắk Lắk) với khả năng thuyết trình mạch lạc, lôi cuốn đã giúp người xem hiểu thêm về những nỗ lực của Cục Hải quan Đắk Lắk với chuyển đổi số, đó là việc hiện đại hóa hệ thống hải quan để bắt kịp nhu cầu phát triển tại địa phương, truyền thông về cách thức thực hiện các thủ tục hải quan điện tử. Từ đó, góp phần không nhỏ kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, tối ưu hóa các quy trình hải quan, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Ban tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các Công đoàn cơ sở tham gia Hội thi. |
Với cái nhìn thẳng thắn, ở phần thi thuyết trình của mình, thí sinh đến từ CĐCS Sở Tài chính đã phơi bày thực trạng “tham nhũng vặt”, nạn “kẹp phong bì”, biếu xén “bôi trơn” để được giải quyết công việc; qua đó nhấn mạnh đây là hành vi bị nghiêm cấm và phải từ chối dưới mọi hình thức. Để tập trung xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi ý thức, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ.
Ở mỗi phần thi, nhiều đơn vị đã chú ý vận dụng khả năng diễn xuất, cách tiếp cận vấn đề sao cho nhuần nhị, thu hút khán giả. Đơn vị CĐCS Bảo hiểm xã hội tỉnh sáng tạo kết hợp giữa hình thức sân khấu hóa với việc phát các đoạn video ngắn để kể câu chuyện liền mạch về sự cần thiết khi tham gia bảo hiểm xã hội trong đời sống người dân, từ đó khéo léo cung cấp kiến thức về việc thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội trực tuyến một cách sinh động, hài hước, dễ hiểu.
Bà Phạm Thị Anh Đức, Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh đánh giá, các đội dự thi đều có sự đầu tư, dàn dựng công phu, thể hiện tư duy đột phá, tính sáng tạo cũng như cái nhìn tổng quan, toàn diện về công tác CCHC, qua đó đề xuất những ý tưởng, giải pháp trong công tác CCHC, xây dựng văn hóa công sở. Đây là một trong những hình thức truyền thông để góp phần tăng cường tuyên truyền CCHC đến toàn dân, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động nhằm cải thiện chất lượng CCHC tại cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng cơ quan vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội thi “Tìm hiểu về công tác CCHC và văn hóa công sở” năm 2024 đạt được mục tiêu là “cầu nối” trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về CCHC đến người dân. Không chỉ đến cổ vũ, động viên, nhiều khán giả theo dõi hội thi để hiểu thêm về lộ trình CCHC đang được triển khai tại các cơ quan, đơn vị cũng như tham khảo các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo... |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc