Multimedia Đọc Báo in

“Lá chắn” bảo vệ nhà báo

12:08, 24/06/2024

Ai cũng biết nghề làm báo là nghề nguy hiểm, cho nên trong quá trình dấn thân với nghề (nhất là trước những vấn đề “nóng” và “nhạy cảm”) - nhà báo rất cần “lá chắn” để bảo vệ mình. Vậy “lá chắn” ấy là gì và phải được xây dựng từ đâu?

Theo tôi, ngoài khả năng và kinh nghiệm nghề nghiệp ra, nhà báo phải lấy tiêu chí trung thực và khách quan đặt lên hàng đầu. Bởi chỉ có thể dựa vào tiêu chí, chuẩn mực đó nhà báo mới có thêm niềm tin và động lực để dấn thân nhằm mang lại cho bạn đọc/nghe/nhìn những thông tin chính xác, đúng đắn, bổ ích nhất.

Có thể nói sự trung thực và khách quan ấy, không những giúp cho bạn đọc/nghe/nhìn thỏa mãn và hài lòng trước những sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội, mà còn là công cụ bảo vệ hữu hiệu cho chính bản thân nhà báo trong quá trình tác nghiệp, mang lại sản phẩm báo chí đích thực phục vụ công chúng.

Đây cũng chính là một trong những nội dung đã được luật hóa thông qua Luật Báo chí năm 2016, gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhờ hành lang pháp lý này mà báo chí càng vững tin thực hiện sứ mệnh của mình; được bạn đọc/nghe/nhìn tin yêu, dư luận đồng tình ủng hộ, theo đó uy tín nhà báo cũng như cơ quan báo chí tăng lên. Ngược lại sẽ bị thế lực xấu giật dây, chi phối và nguy hiểm hơn sẽ trở thành công cụ phục vụ cho những mưu đồ khiến công chúng nghi ngờ và mất lòng tin.

Sự trung thực, khách quan được xem là “lá chắn” bảo vệ hữu hiệu cho chính bản thân nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Ảnh minh họa: Hữu Hùng

Để có “lá chắn” thật sự vững chắc bảo vệ mình, tôi nghĩ trong quá trình hành nghề nhà báo cũng rất cần đề cao thái độ và trách nhiệm công dân.

Tiêu chí, chuẩn mực này phải luôn được tuân thủ, bao trùm lên toàn bộ hoạt động xã hội nói chung và nghề nghiệp nói riêng, trong đó có báo chí. Với đặc thù nghề báo, đạo đức nghề nghiệp được xem là vấn đề cốt lõi trong các hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong nhiều trường hợp/hoàn cảnh mà nhà báo dấn thân thì đạo đức nghề nghiệp còn được coi trọng hơn cả kỹ năng và nghiệp vụ. Bởi trên thực tế, người làm báo có thể không ngừng học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm để ngày càng tinh thông, giỏi giang hơn về nghiệp vụ; nhưng với đạo đức nghề nghiệp chỉ được hình thành từ việc “tự ý thức” của mỗi cá nhân trong tổng hòa các mối quan hệ mà thôi.

Thêm nữa, vấn đề xây dựng và thực thi môi trường pháp lý (môi trường tác nghiệp) an toàn cho nhà báo để báo chí - truyền thông nói chung ngày càng phát huy vai trò của mình hơn trong đời sống cũng là đòi hỏi đặt ra đối với các cơ quan có thẩm quyền nhằm bảo vệ nhà báo có hiệu quả hơn.

Đặc biệt là trước những vụ việc “nóng” và “nhạy cảm”, nếu có được môi trường pháp lý và môi trường tác nghiệp thuận lợi sẽ giúp nhà báo không ngại khó/khổ để tìm và đưa sự thật khách quan ra trước công chúng.

Bằng không, khi nhà báo đơn độc đi vào những “vùng cấm”, thì cho dù có mang theo “vũ khí tự vệ” (là sự trung thực, khách quan, công tâm đến mấy) cũng khó hoàn thành sứ mệnh, bởi sự thật được che đậy, bưng bít dưới “tầng tầng, lớp lớp” vỏ bọc khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, tinh vi và nguy hiểm khó lường.

Vì thế rất cần sự chia sẻ, vào cuộc của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền để thông tin mà nhà báo mang lại cho bạn đọc/nghe/nhìn thật sự trung thực, khách quan và có ích cho cộng đồng, xã hội.  

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.