Nhà báo và công chúng
Suốt lịch sử hơn 300 năm của báo chí thế giới, và gần 100 năm báo chí Việt Nam, bạn đọc chính là đối tượng phục vụ, là đối tác đặc biệt, và cũng chính là nguồn sống của báo chí.
Ngày nay, khi các mô hình, nền tảng truyền thông bùng nổ, khái niệm độc giả dần trở nên nhỏ hẹp, và được thay thế bởi hai chữ mang ý nghĩa rộng hơn là “công chúng”.
Nghĩa là không chỉ còn độc tôn với báo in như trước kia, và cũng không chỉ là “khán, thính giả” của loại hình báo chí của kỹ thuật nghe nhìn thời gian gần đây.
Ảnh minh họa. |
Nên hiện nay mới có ngành đào tạo “quan hệ công chúng”. Độc giả, công chúng của báo chí bây giờ đã rất khác. Họ đã trở thành chủ thể quan trọng bậc nhất của báo chí, chứ không phải chỉ là vai trò “độc quyền” của nhà báo như trước kia.
Sự thay đổi này, cùng với những biến động lớn và phức tạp của các thể chế chính trị, chính sách, sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ truyền thông, khiến nhà báo trên phạm vi toàn cầu giờ đây hầu như không còn là “quyền lực thứ tư” nữa, mà có khi quyền lực nhất lại chính là công chúng, tức là những người theo dõi và tiêu thụ sản phẩm của các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, một điều rất đáng lưu tâm trong thời đại số hóa ngày nay, đó là công chúng/độc giả nhiều khi không phải là những người trực tiếp đọc một bài báo, theo dõi một bản tin hay phóng sự truyền hình như trước kia. Mà họ có thể theo dõi qua mạng xã hội, qua những bình luận, thậm chí chỉ từ một bức ảnh chụp cắt cúp một cái tít đề, một đoạn trích từ báo chí, là đã có thể tham gia tranh luận.
Rất nhiều tờ báo, bài báo, tác giả đã bị xuyên tạc, “chụp mũ” một cách oan ức bởi đám đông như vậy. Để thấy rằng, công chúng của báo chí, truyền thông hiện nay đã trở nên phức tạp, đa dạng và “khó chiều” hơn rất nhiều, khi bây giờ KPI (chỉ số hiệu suất công việc) của nhà báo thêm một kênh đánh giá nữa chính là “view”, tức là số lượng người xem/người đọc trên môi trường Internet.
Đó cũng chính là thách thức cam go nhất với những người cầm bút trong môi trường báo chí, truyền thông hiện nay. Không chỉ là những vụ nhà báo, cộng tác viên báo chí, tạp chí một số nơi dọa nạt, tống tiền doanh nghiệp bị sa lưới pháp luật mà thực tế báo chí nước ta hiện nay, xu hướng báo “lá cải” đã xuất hiện nhiều không chỉ trên những trang tin điện tử, mà đã lan dần sang một số tờ báo vốn có tiếng là nghiêm túc, nghiêm cẩn. Từ cách giật những cái tít có vẻ “ngớ ngẩn”, sai lệch ngữ pháp cũng như bản chất câu chuyện để tạo sự tò mò, cố tình thu hút sự “ném đá” của cộng đồng mạng xã hội, cho đến những bài viết vội vã, cẩu thả, hóng hớt, viết một chiều, với mục đích câu view. Điều đó đã gây bức xúc cho không ít những người đọc nghiêm túc, đồng thời gây xáo trộn và bất ổn cho tâm lý xã hội.
Rõ ràng đối tượng phục vụ quan trọng nhất của báo chí là công chúng. Nhưng báo chí và người làm báo không thể, và không được phép bằng mọi giá “chiều” theo đám đông để thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ và nhận thức sai lệch của số người này. Bởi điều quan trọng nhất của mỗi người làm báo chính là lương tâm, là đức tính trung thực, là sự chính trực và bản lĩnh bảo vệ sự thật, bảo vệ cái đúng, thúc đẩy sự phát triển văn minh, lành mạnh và tiến bộ của xã hội. Kể cả đến một lúc công nghệ báo chí, truyền thông bị “khống chế” và lấn át bởi trí tuệ nhân tạo, thì những phẩm chất nhân văn rất con người ấy càng không thể để mất đi.
Trần Tuấn
Ý kiến bạn đọc