Tác nghiệp ở Trường Sa
Đầu năm 2024, gần 100 phóng viên, nhà báo trong cả nước vinh dự được theo Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Đó là trải nghiệm đáng nhớ trong đời cầm bút để mỗi nhà báo bồi đắp thêm tình yêu, trách nhiệm với nghề.
Thời điểm chúng tôi ra Trường Sa là mùa biển động, những đợt sóng có lúc cao 5 - 6m như muốn nuốt chửng mọi thứ vào lòng biển sâu. Tàu hải quân mang số hiệu 561 chở hàng trăm chiến sĩ trẻ và cánh nhà báo chúng tôi cùng nhiều tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm ra các đảo cứ trồi lên, hụp xuống theo từng đợt sóng. Tàu rung, lắc, chao đảo khiến cho phần lớn anh em bị say sóng và nằm bẹp.
Bữa cơm đầu tiên trên tàu chỉ có khoảng hơn chục anh em phóng viên ráng sức ngồi trong bàn ăn ở căng tin. Họ phải một tay ghì khay cơm víu chặt vào bàn, tay kia cầm đũa và cùng lắc lư theo nhịp con tàu. Đã có một số đồng nghiệp chưa kịp nuốt miếng cơm đầu tiên đã phải nôn thốc và được dìu về phòng nằm nghỉ.
Các phóng viên, nhà báo phỏng vấn chiến sĩ trên tàu 561. |
Sau 2 ngày một đêm lênh đênh trên biển, tàu 561 mới tiếp cận được đảo Trường Sa. Lúc này, chúng tôi cũng như nhiều chiến sĩ trẻ đã quen dần với sự chao đảo, nghiêng ngả của tàu. Vừa ngớt say sóng, khi đặt chân lên đảo, nhiều anh em lại nôn thốc nôn tháo vì say đất. Dù vất vả là vậy, song khi nhìn thấy những hàng cây xanh mướt xen lẫn nhiều công trình nhà cửa kiên cố, đặc biệt là những cái bắt tay thật chặt với cán bộ, chiến sĩ hải quân và nhân dân trên đảo thì ai cũng lâng lâng sung sướng, quên hết mệt nhọc.
Đặt chân lên đảo, chúng tôi ai nấy cũng đều tất bật, người quay phim, chụp ảnh, người phỏng vấn... Những câu hỏi phóng viên đưa ra đều được chỉ huy đảo, người dân và chiến sĩ trao đổi một cách rành mạch, cởi mở. Nhà báo Nguyễn Xuân Cảnh (Đài Phát thành và Truyền hình Đắk Lắk) xúc động chia sẻ, nghề báo cho anh cơ hội đi tác nghiệp nhiều nơi, nhưng ấn tượng và xúc cảm đặc biệt là khi đến với Trường Sa. Đó là cột mốc chủ quyền sừng sững hiên ngang, lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trùng khơi, là khoảnh khắc xúc động khi ghi hình lễ tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh... Vì vậy, dù có phải làm việc giữa nắng nóng 40 độ và những cơn mưa bất chợt ở đây, anh vẫn cố gắng để có được những thước phim chân thực nhất về vẻ đẹp của quê hương, cuộc sống của người lính đảo giản dị, kiên trung.
Các phóng viên phỏng vấn nhiếp ảnh gia Giang Sơn Đông (Hội Nhiếp ảnh gia TP. hồ Chí Minh). |
Khi rời đảo Trường Sa, hải trình chúng tôi còn đến các đảo Đá Đông A, B, C, Đá Tây B, C và đảo An Bang. Do đá ngầm và sóng lớn nên tàu phải neo đậu cách các đảo khoảng 3 km, rồi “tăng bo” bằng xuồng máy đưa từng tốp người và hàng hóa vào. Từ tàu xuống xuồng để vào đảo cũng là việc không hề dễ dàng. Các phóng viên phải thực hiện động tác dứt khoát, chính xác, tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để bước xuống thật nhanh, chỉ cần sơ suất là có thể bị vấp, ngã nhào xuống biển, hoặc kẹt giữa thân tàu với mép xuồng.
Giữa muôn trùng khơi, xuồng trung chuyển chỉ như “chiếc lá” mong manh, nhỏ bé, nhiều lúc bị những cột sóng cao vút “nâng lên, dìm xuống”, rồi trùm qua, đối mặt hiểm nguy. Vì vậy, người và hàng hóa trên xuồng đều được “bọc kín” áo mưa, túi nilon để tránh bị ướt. Không những thế, do thời gian ở trên các đảo khá ít ỏi, chỉ khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ, bên cạnh tham gia những hoạt động chung của đoàn công tác, các phóng viên phải chạy đua để thu thập thật nhiều tư liệu, hình ảnh về công việc, đời sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Trong hải trình 20 ngày trên biển, đảo Trường Sa đã mang tới cho chúng tôi - những đồng nghiệp từ nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước, gắn kết tình cảm sâu sắc, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Chuyến đi không chỉ là một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo, là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề, mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm chất lượng, hấp dẫn.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc