Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng dân số

08:06, 11/07/2024

Nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển, kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2024, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Với chủ đề năm nay, một trong những nội dung quan trọng đang được triển khai là cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền

Tại Đắk Lắk, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngành y tế đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân cho các bạn trẻ.

Đơn cử như tại TP. Buôn Ma Thuột, trong 6 tháng đầu năm, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số ở cơ sở đã phối hợp tổ chức hơn 90 cuộc truyền thông với nhiều hình thức như: truyền thông nhân các sự kiện; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông kỹ thuật số trên Internet và mạng xã hội; truyền thông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, hội tại địa phương…, thu hút hơn 5.000 lượt người tham dự; tập trung vào các nhóm đối tượng: người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ vị thành niên và thanh niên. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Pháp lệnh Dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân...

Chị Nguyễn Thùy Trang, Bí thư Đoàn phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho thiếu niên trên địa bàn phường.

Bà Đỗ Thị Nhiên, Phó Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông và giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột) thông tin thêm, Trung tâm Y tế thành phố còn thường xuyên phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về tâm sinh lý tuổi mới lớn, về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân nhằm trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh với 3.818 học sinh tham gia; hoạt động tư vấn tại hộ gia đình cho 1.957 hộ; truyền thông, tư vấn tại trạm y tế cho 823 người…

Từ đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các vấn đề dân số, nâng cao hiểu biết, kỹ năng thực hành của mọi người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh; làm thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số…

Em Hồ Trần Bảo Trân (lớp 9, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Qua các buổi tuyên truyền, em hiểu hơn về sự phát triển của tuổi dậy thì. Đặc biệt, từ những kiến thức này giúp em còn biết cách phòng ngừa bệnh lý, tránh quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, giữ gìn tình bạn trong sáng…”.

Chú trọng tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân

Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân còn tổ chức khám miễn phí cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn, trong đó ưu tiên những đối tượng thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, thông qua các buổi sinh hoạt tại Câu lạc bộ Tiền hôn nhân (CLB), các thành viên tham gia đã có nhận thức cơ bản về những lợi ích của việc tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, qua đó tạo cầu nối, sân chơi để các bạn trẻ trao đổi, chia sẻ và mỗi thành viên lại tiếp tục trở thành những tuyên truyền viên tích cực tại địa phương.

Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Tiền hôn nhân của xã Ea Hồ.

Huyện Krông Năng có 8 CLB thu hút hơn 90 người tham gia. Trong đó, xã Ea Hồ có 2 CLB với hơn 30 thành viên tham gia sinh hoạt. Đây là nơi để các bạn trẻ trao đổi, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ những vấn đề liên quan đến tâm sinh lý bản thân.

CLB tổ chức sinh hoạt mỗi quý một lần với những hoạt động thiết thực; nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, xoay quanh các chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cách thức quan hệ tình dục lành mạnh, phương pháp phòng tránh thai, cách phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS...

Như chị H’Êlyzabet Niê (buôn M’Ưm, xã Ea Hồ) trước khi lập gia đình đã tham gia CLB. Qua các chuyên đề sinh hoạt tại CLB, chị có cơ hội tìm hiểu và nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân. Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Tại TP. Buôn Ma Thuột cũng có 21 CLB đang hoạt động. Tùy theo điều kiện của từng địa phương có những cách sinh hoạt cho phù hợp. Chị Nguyễn Thùy Trang, Bí thư Đoàn phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, nhận thấy đa số các bạn trẻ do bận học, đi làm, ít thời gian tham gia các buổi sinh hoạt riêng của CLB nên Đoàn Thanh niên xã đã lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn. Việc triển khai hoạt động của các CLB giúp nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên; đặc biệt là nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, lựa chọn cách tốt nhất để bảo vệ bản thân.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.