Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tuyên truyền, tư vấn pháp luật

08:27, 28/07/2024

Bằng các hình thức phù hợp, các cấp công đoàn trong tỉnh đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, người lao động. Qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và tạo dựng niềm tin đối với tổ chức công đoàn.

Sau khi Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk được thành lập, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2023 tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), Công đoàn ngành công thương tỉnh đã trực tiếp đến tuyên truyền, vận động thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty với gần 1.000 đoàn viên.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk cho biết, lao động của công ty chủ yếu là lao động phổ thông của địa phương, trình độ, hiểu biết khác nhau. Do đó, để nâng cao kiến thức pháp luật, CĐCS công ty đã tích cực phối hợp với các cấp công đoàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, đối thoại pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, thưởng, chế độ cho lao động nữ…

Đồng thời, ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành CĐCS với lãnh đạo công ty, tặng quà cho công nhân lao động khó khăn; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao… giúp đoàn viên, người lao động thêm tin tưởng, gắn bó với doanh nghiệp.

Công nhân lao động Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật và tham gia các trò chơi hỏi - đáp kiến thức pháp luật.
 

Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 2.100 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 100.000 lượt đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; cấp phát hơn 25.000 tờ rơi về pháp luật; vận động 11.000 lượt công nhân, viên chức, lao động tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phối hợp tổ chức 8 hội nghị đối thoại, tuyên truyền pháp luật; tư vấn pháp luật miễn phí cho hơn 300 lao động tại Khu công nghiệp Hòa Phú...

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp công đoàn thực hiện thông qua nhiều hình thức sinh động, linh hoạt như: hội nghị, đối thoại pháp luật trực tiếp với cán bộ công đoàn, công nhân lao động; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; phát tờ rơi; xây dựng poster tuyên truyền thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo... Nội dung trọng tâm là pháp luật lao động, Luật BHXH, BHYT; các chỉ thị, nghị quyết, quy định liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp luật về giao thông, phòng, chống ma túy, các tệ nạn xã hội, bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, các CĐCS đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng 1.650 tủ sách pháp luật. Trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh đã thành lập và duy trì chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm kịp thời cập nhật, đăng tải các bản tin, văn bản pháp luật mới ban hành.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từ năm 2015, LĐLĐ đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh Đắk Lắk.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, tháng 7/2023, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo trung tâm thành lập fanpage Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2023 đến hết tháng 6/2024, trung tâm đã tư vấn pháp luật cho khoảng 80 trường hợp là đoàn viên, người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Nội dung tư vấn lên quan đến chế độ BHXH, BHYT, thai sản, hình thức ký kết hợp đồng lao động... Những nội dung vượt chuyên môn, thẩm quyền, trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan để tư vấn, giải đáp cho người lao động.

Đoàn viên, người lao động Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Công đoàn tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến, kết quả của từng vụ việc để thông tin đến người lao động. Qua đó đã giúp người lao động hiểu biết thêm những quy định pháp luật liên quan, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.