Multimedia Đọc Báo in

Tiền lương, hai nửa mừng – lo

08:30, 17/07/2024

Lương cơ sở tăng lên là niềm vui đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vẫn còn đó những lo lắng "cơm áo gạo tiền" của người làm việc trong khu vực công.

Thêm động lực làm việc

Trong những ngày qua, "tăng lương" là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất trong câu chuyện từ công sở đến công xưởng và cả trên mạng xã hội. Hầu hết người lao động đều vui khi mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) có mức tăng cao nhất trong lịch sử tăng lương.

Xã Ea Dăh (huyện Krông Năng) là xã vùng 3, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, dân tộc thiểu số cao, nhận thức của một số người dân còn nhiều hạn chế nên công tác quản lý, điều hành, giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ xã còn gặp nhiều vất vả.

Theo ông Lê Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Ea Dăh, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 được coi là sự động viên rất lớn của Đảng và Nhà nước, mang lại sự phấn khởi, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức đang hưởng lương từ ngân sách.

Đây cũng là cơ sở để các cơ quan đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp nâng cao chất lượng công việc, đòi hỏi tính trách nhiệm, hiệu quả cao hơn đối với từng cá nhân trong công việc. Với cá nhân ông, theo mức lương mới, thu nhập của ông sẽ đạt gần 11 triệu đồng/tháng (tăng hơn 1 triệu đồng).

Ông kỳ vọng thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức để tạo động lực gắn bó lâu dài, nâng cao năng suất, chất lượng trong công việc của đội ngũ cán bộ.

Thực hiện Nghị định số 75/2024/ NĐ-CP, ngày 30/6/2024 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng cũng được hưởng mức tăng thêm 15%. Với sự điều chỉnh này, bà Bùi Thị Phượng (giáo viên đã về hưu ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, lương hưu của bà tháng 7 này đã nhận được hơn 9,3 triệu đồng (tăng hơn 1,3 triệu đồng so với trước). Bà Phượng rất vui mừng vì số tiền này không chỉ giúp bà trang trải cuộc sống mà còn có thêm phần tích lũy để khi về già không phải phụ thuộc vào con cháu.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Trung ương đã có Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Nhà nước luôn xác định, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực tăng năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

“Nguồn tiền trả lương không bao giờ thiếu, không được dùng chi cho việc gì khác. Việc trả lương mới sẽ được thực hiện ngay khi có hướng dẫn cụ thể của Trung ương và cán bộ, công chức, viên chức… đã nhận lương tháng 7/2024 sẽ được truy lĩnh trong thời gian tới”, ông Bùi Văn Yên, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh.

Cán bộ văn phòng UBND xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) cùng người dân dọn dẹp đường giao thông bị ảnh hưởng do mưa lũ. Ảnh: Minh Chi

Mừng thì mừng, lo vẫn cứ lo

Tăng lương cơ sở 30% là cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế thì mức thu nhập tăng lên này mới phần nào cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Theo Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Đắk Lắk Phạm Thị Anh Đức, việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng là niềm mong đợi, cũng là niềm vui của công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, để sống được với mức tiền lương hiện tại so với mức giá cả thực tế trên thị trường thì công chức, viên chức và người lao động vẫn phải thắt chặt chi tiêu, thực sự tiết kiệm mới bảo đảm được cuộc sống. Nhiều công chức, viên chức và người lao động còn phải làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống cũng như nuôi con cái ăn học, cha mẹ già và người thân trong gia đình.

Chị Trần Thị Thúy Nga, chuyên viên tại một cơ quan hành chính cấp tỉnh cho biết, vợ chồng chị đều làm trong cơ quan nhà nước, tiền lương của cả hai người mỗi tháng khoảng hơn 15 triệu đồng, trong khi muốn đi làm thêm việc khác để cải thiện thu nhập thì lại không có thời gian.

Theo chị Nga, so với những nghề khác cũng như mặt bằng mức sống tại địa phương thì mức thu nhập này là khá thấp. Gia đình anh chị có hai con nhỏ nên cuộc sống, chi tiêu phải rất tằn tiện, thường xuyên thiếu trước hụt sau.

Để có đủ chi phí trang trải trong gia đình, vợ chồng chị thực hiện chi tiêu tiết kiệm bằng cách ăn sáng tại nhà, hạn chế tối đa việc đi ăn bên ngoài, khống chế số tiền đi chợ hằng ngày, trồng rau để cải thiện bữa ăn và hạn chế những khoản tiêu không thật sự cần thiết.

Theo chị, vì áp lực công việc lớn, phần nữa là thu nhập chưa cao nên nhiều người đã từ bỏ công việc nhà nước ra làm tự do hoặc chuyển sang khối doanh nghiệp.

Ở một góc độ khác, nhiều người cũng lo ngại khi lương tăng thì họ phải tăng đóng thuế bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quá lạc hậu (hiện đang áp dụng mức 11 triệu đồng/tháng) và chưa giải quyết được sự bất cập về giảm trừ gia cảnh, cần nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế. Bên cạnh đó, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc áp dụng lâu nay (4,4 triệu đồng/tháng) là khá thấp so với mức sinh hoạt thực tế của một người, nhất là ở địa bàn thành thị.

Minh Thông – Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.