Multimedia Đọc Báo in

Trẻ con biết nhiều hơn những gì người lớn tưởng!

08:48, 01/07/2024

1. Trong giờ ra chơi, cô con gái học lớp 3 của tôi bị một bạn nam đùa giỡn, đánh mạnh vào mông.

Cháu kể, sau một phút hoảng sợ và tức giận đến bật khóc, cháu bèn hít thật sâu lấy bình tĩnh rồi nói với bạn nam: “Nếu bạn còn đánh vào "vùng đồ bơi" của mình một lần nữa, mình sẽ nói mẹ báo công an bắt bạn!”

Ngay lập tức, bạn nam lên giọng thách thức: “Mình đã đủ 18 tuổi đâu mà bị công an bắt!” Con gái tôi đã đáp trả rành rọt: “Bạn chưa đủ 16 tuổi, có thể công an chưa bắt bạn. Nhưng bố mẹ bạn phải chịu trách nhiệm vì bố mẹ bạn là người giám hộ của bạn!” Có lẽ thái độ cứng rắn của con gái tôi cùng những lời lẽ ra chừng có hiểu biết về pháp luật đã khiến cho bạn nam ấy thay đổi thái độ, chủ động xin lỗi vì hành động của mình.

Câu chuyện nhỏ của con khiến tôi khá bất ngờ vì không nghĩ rằng cháu đã có thể tự vận dụng kiến thức pháp luật để giải quyết tốt vấn đề của chính mình như thế. Tôi cũng bất ngờ khi bạn nam của con cũng biết dùng chính lý lẽ của pháp luật để bảo vệ cho hành động sai của mình và biết xin lỗi khi thấy bản thân đuối lý.

Niềm vui của học sinh Trường Mầm non Cư Kbang (huyện Ea Súp) khi đến trường.
Niềm vui của học sinh Trường Mầm non Cư Kbang (huyện Ea Súp) khi đến trường. Ảnh minh họa: Đinh Nga

2. Nhiều người thường nói: “Trẻ con có biết gì đâu!” để bao biện khi con trẻ hành động sai, dù đó là lỗi vô tình hay cố ý. Đây là một phản xạ tự nhiên nhằm bảo vệ trẻ em, tránh những lời nói, hành động khiến trẻ tổn thương. Thế nhưng, việc lạm dụng câu nói này cũng như con dao hai lưỡi trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều tình huống khi con trẻ nghịch ngợm, cố tình quấy phá, đánh bạn hay làm hư hỏng những vật dụng có giá trị cao ở nơi trưng bày, mua sắm thì cha mẹ hoặc người thân của các em vẫn dùng lý lẽ “Trẻ con có biết gì đâu!” để thoái thác tránh nhiệm của con em mình và cũng là thoái thác tránh nhiệm giám hộ trẻ em theo quy định của pháp luật. Đứa trẻ trong tình huống ấy sẽ không nhận thức được lỗi sai của bản thân và có thể tiếp tục phạm lỗi trong một tình huống khác nghiêm trọng hơn.

3. Trẻ con biết nhiều hơn những gì người lớn tưởng! Quả vậy, trong một xã hội phát triển nhanh chóng, trẻ em ngày càng được quan tâm hơn, được trao nhiều quyền lợi hơn, được tiếp cận sớm với các luồng thông tin hơn khiến chúng lớn nhanh hơn rất nhiều về mặt nhận thức so với các thế hệ trước ở cùng độ tuổi. Cũng chính bởi điều này, việc giáo dục trẻ ngày nay không thể dùng thái độ né tránh hay những câu chuyện mơ hồ, chung chung vì chúng có thừa phương tiện để kiểm chứng những điều nghe được. Việc bao biện cho một điều chưa đúng, một hành động trái quy ước, chuẩn mực chung của xã hội cũng sẽ khiến trẻ dần hình thành những tư duy không tốt, nghiêm trọng hơn là cổ súy cho trẻ lặp lại những việc làm sai ấy.

4. Trẻ em cần được bảo vệ, đảm bảo đầy đủ 25 quyền theo Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, trẻ em cũng cần phải được giáo dục về bổn phận của mình bởi trẻ em cũng là một thành tố tạo nên xã hội. Bên cạnh các bài học về kiến thức, kỹ năng, trẻ em cần được giáo dục sớm hơn, sâu hơn về pháp luật, từ Luật Trẻ em, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy cho đến Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… Không chỉ chờ đợi vào việc giáo dục pháp luật tại nhà trường, phụ huynh cần chủ động trang bị kiến thức pháp luật cho con em mình, lựa chọn những nội dung phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ, chuyển tải vào những câu chuyện thường gặp hằng ngày.

So với môi trường học đường, môi trường giáo dục pháp luật trong gia đình có nhiều ưu thế hơn. Cha mẹ có thể lồng ghép vào những câu chuyện trong bữa cơm, lý giải những sự việc mà trẻ quan tâm hay trao đổi với trẻ về những thông tin thời sự trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, cha mẹ cũng phải là tấm gương tuân thủ pháp luật để con trẻ noi theo. Thông qua những chia sẻ, trao đổi của cha mẹ, trẻ sẽ dần hình thành thói quen biện giải theo pháp luật, nhận diện rõ hành động đúng, hành động sai để tự bảo vệ mình cũng như không gây tác động xấu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những người xung quanh. Đây chính là tiền đề quan trọng để xây dựng những công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.