Multimedia Đọc Báo in

Chi trả lương hưu qua tài khoản: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

08:34, 27/08/2024

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có quyền nhận lương hưu và trợ cấp BHXH thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng.

Để bảo đảm tốt quyền và lợi ích này của người hưởng, BHXH Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh phương thức chi trả qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng; song song triển khai linh hoạt các hình thức khác như: chi tiền mặt trực tiếp tại các điểm chi trả; chi thông qua chủ sử dụng lao động; chi tại nhà nếu là người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến điểm chi trả… Cùng với đó, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian để chi trả sớm nhất, kịp thời nhất cho người hưởng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với nhân viên ngân hàng vận động người hưởng lương hưu ở phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) nhận tiền qua tài khoản ATM.

Với tinh thần để người hưởng nhận được tiền sớm nhất ngay từ đầu tháng, từ ngày 1/8/2024, BHXH tỉnh đã thực hiện trực tiếp chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người đang hưởng qua tài khoản ngân hàng, không qua bưu điện như trước đây.

Về hưu từ năm 2019, vào ngày nhận lương mỗi tháng, ông Nguyễn Minh Khương (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đều ra UBND phường xếp hàng chờ nhận lương hưu bằng tiền mặt, nếu không may ốm đau hoặc bận việc đột xuất thì nhờ người chở đi hoặc nhờ người nhận thay càng phiền hà hơn. Đến kỳ nhận lương hưu tháng 6/2024, được cán bộ BHXH tỉnh và nhân viên ngân hàng tư vấn, hỗ trợ, ông đã quyết định mở tài khoản ngân hàng để hằng tháng không phải mất thời gian, công sức đi nhận.

Ông Khương phấn khởi: "Trước đây, mỗi khi đến ngày lĩnh lương hưu, tôi phải tranh thủ đi từ sớm để khỏi phải xếp hàng ngồi đợi; đồng thời khi nhận còn phải ký tên, đếm tiền vì sợ người chi trả đưa thừa hay thiếu. Nhưng từ tháng 7 đến nay, mỗi tháng tôi chỉ cần ngồi ở nhà, tiền lương hưu tự chuyển vào tài khoản ngay từ đầu tháng, rất tiện lợi”.

Có thể nói, hình thức chi trả qua tài khoản này bảo đảm an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu giữ; việc chi trả được thực hiện nhanh gọn, không phải bố trí địa điểm, nhân lực; ngân hàng không phải chuẩn bị lượng tiền mặt lớn đưa ra lưu thông; điều đặc biệt hơn là người hưởng không phải tốn thời gian, công sức đi lại nhưng vẫn nhận được lương hưu và có thể rút tiền ở bất cứ nơi nào có máy rút tiền.

Ông Nguyễn Văn Chính, xã Ea Riêng (bên phải) chia sẻ khó khăn khi nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng.

Biết lợi ích là vậy nhưng hiện nay tỷ lệ nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM còn khá thấp. Tính đến cuối tháng 7/2024, BHXH tỉnh đang thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản cho trên 23.430 người. Trong đó, việc chi trả qua tài khoản cho người nhận ở khu vực nông thôn đang là trở ngại lớn.

Ông Nguyễn Văn Chính (xã Ea Riêng, huyện M’Drắk) bày tỏ: “Nghỉ hưu từ năm 1992, đến nay hằng tháng tôi vẫn đến xã nhận lương hưu. Qua báo, đài, tôi biết đến việc chi trả qua tài khoản ngân hàng nhưng vẫn phải nhận tiền mặt bởi trong xã không có ATM; trong khi đó, từ nhà ra trung tâm huyện khá xa, nhận qua tài khoản ngân hàng thì mỗi lần có lương lại phải chạy ra trung tâm huyện để rút tiền mặt chi tiêu, rất bất tiện. Do đó, nếu hạ tầng cơ sở của các ngân hàng phát triển rộng rãi, có ở địa phương thì tôi sẵn sàng nhận lương hưu qua tài khoản”.

Việc phát triển ở khu vực nông thôn khó khăn đã đành, nhưng không ít người nhận lương hưu ở khu vực thành thị vẫn không muốn mở thẻ để nhận tiền qua tài khoản. Bà N.T.T. (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn thích nhận lương hưu bằng tiền mặt. Dù được cán bộ BHXH tỉnh tư vấn nhận qua tài khoản ngân hàng, nhưng bà cho biết sẽ nhận tiền mặt đến khi nào có quy định bắt buộc thì mới làm thẻ ATM.

Có thể thấy, khó khăn lớn của việc chi trả qua thẻ ATM là người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đa phần là người lớn tuổi, họ không muốn rút tiền tại các máy ATM hoặc do sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi rút tiền; mặt khác, nhiều người vẫn có tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, số lượng máy ATM của các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố và số ít ở khu vực trung tâm các huyện, ở các xã hầu như không có... Những nguyên nhân này càng khiến việc chi trả qua tài khoản ngân hàng gặp nhiều trở ngại.

Do đó, để nâng cao tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản ngân hàng, bên cạnh những nỗ lực của ngành BHXH cần sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn người hưởng mở tài khoản ATM; hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng cho người dân; lắp đặt bổ sung máy ATM tại nơi thuận tiện cho việc đi lại của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.