Multimedia Đọc Báo in

Dạy tiếng Việt cho trẻ: Bắt đầu từ đâu?

09:05, 11/08/2024

Một số cha mẹ trẻ theo dõi câu chuyện tiếng Việt trên báo, rồi tự đặt câu hỏi, vậy nên dạy cho con trẻ học tiếng Việt từ đâu trước?

Ai cũng biết trẻ từ khi nói tiếng đầu tiên gọi mẹ, là đã tiếp cận tiếng Việt. Nhưng không phải ai cũng biết cách kiểm tra phương pháp dạy tiếng Việt cho con của mình!

Một số giáo viên trung tâm tư vấn trẻ tự kỷ Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ rằng, tự bản thân họ cũng không biết cách nào dạy cho bọn trẻ nói tiếng Việt đúng, song số lượng trẻ hiện nay bị chậm nói, chậm nắm bắt từ, khó nói được câu dài đang ngày một tăng. Phải chăng có khúc mắc nhất định trong cách tiếp cận và dạy ngôn ngữ cho trẻ con, tại các gia đình và trong xã hội hiện nay?

Lúng túng từ lời thưa, tiếng chào

Theo cô giáo Phạm Phương Lan, một trong những người đang tham gia tích cực vào hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng), môi trường gia đình luôn là điểm khởi xuất đầu tiên để xây dựng được thói quen, kỹ năng giao tiếp của con trẻ. Nên muốn dạy cho trẻ nói sõi, nói đúng tiếng Việt, gia đình sẽ là cơ sở đào tạo đầu tiên; và người mẹ, người cha là “thầy cô” cực kỳ quan trọng, bày cách cho trẻ học, nắm bắt và ứng xử đúng với tiếng Việt từ lúc ban sơ.

Tiết học ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Thiên Lý (huyện Buôn Đôn). Ảnh: Thanh Hường

Cô Lan dẫn chứng, mới đây, cô có tiếp xúc một trường hợp trẻ ngại giao tiếp, trong khi cha mẹ đều là những giảng viên đại học. Khi tiếp xúc, đứa trẻ 4 tuổi này có thể nói tiếng Anh, do cha mẹ điều hướng và khích lệ; nhưng khi có ai đó nói tiếng Việt thì đứa trẻ lúng túng. Cô đặt trường hợp, khi gặp người lớn tuổi, mẹ bảo “thưa bác đi con”, đứa trẻ sẽ “thưa bác”, còn bảo “chào chú” thì đứa trẻ sẽ “chào chú”; nhưng sự khác biệt giữa “chào” và “thưa” thì đứa trẻ không được cha mẹ bày vẽ cho. Hệ quả là khi gặp một người lớn bất kỳ, đứa trẻ lúng túng không biết nên “chào” hay “thưa”. Đó là chưa kể việc nhận diện rõ ai là ở vai vế “bác, chú, cô, dì…” với những đứa trẻ là chưa được hướng dẫn rõ ràng. Tất cả tạo nên một trường tâm lý bị ngăn cách, và những đứa trẻ đâm ra sợ hãi, ngại gặp người lớn, ngại nói chuyện với người lớn “để không bị trách mắng”.

Với cách nhìn nhận này, rõ ràng trong quan niệm giao tiếp lâu nay của nhiều người lớn là cha mẹ, việc hiểu rõ và hướng dẫn cho con cái nắm bắt đúng những đại từ nhân xưng, những hoàn cảnh giao tiếp nhất định trong cuộc sống là chưa được quan tâm, thậm chí bị xem nhẹ. Một đứa trẻ kể từ khi bắt đầu nhận thức và học nói, đã rất cần nhận được sự hỗ trợ này, song dường như không ai để ý.

Cứ thế, đứa trẻ lớn lên, bị đánh mất ngay kỹ năng căn bản giao tiếp đầu tiên là lời thưa tiếng chào, thật sự sẽ khó tránh được những trở ngại về sau, khi muốn sử dụng đúng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ để giao tiếp, nói chuyện với những người chung quanh.

Càng dần về sau, đứa trẻ càng lúng túng và tự thấy mình lạc lõng, khó khăn trong giao tiếp hằng ngày với người khác, dẫn đến lựa chọn thu mình lại, không mạnh dạn tiếp xúc nói chuyện nữa. Tình trạng này nếu khởi đầu từ khi trẻ 2 – 3 tuổi và kéo dài, sẽ gây ra những hệ lụy xấu về sau.

Cha mẹ cần thực sự can thiệp

Nhiều giáo viên cùng có chung nhận xét về môi trường ngôn ngữ cho con trẻ tại nhiều gia đình hiện nay, là cha mẹ ít có kỹ năng cũng như tâm lý theo dõi, hướng dẫn con trẻ dùng đúng và thường xuyên dùng tiếng Việt.

Ngược lại với quan niệm “trẻ nên học sớm ngoại ngữ”, nhiều bậc cha mẹ không nghĩ “trẻ nên học đúng tiếng Việt từ đầu” và phó mặc việc dạy trẻ nói chuyện tiếng Việt cho người giúp việc, ông bà trong nhà… Nhiều bậc cha mẹ lấy lý do bận công việc rất ít dành thời gian nói chuyện lâu, để kịp thời nhận ra những khuyết điểm trong dùng ngôn ngữ của con cái.

Đặc biệt, bởi quan niệm tiếng Việt là thường xuyên, cha mẹ còn rất thờ ơ với cách sử dụng ngôn ngữ, ăn nói giao tiếp của mình trong gia đình, khi ở gần con cái… Nhiều đứa trẻ từ 3 tuổi đã phải “tự học” giao tiếp với điện thoại di động và màn hình tivi, trong khi môi trường phim ảnh, thông tin… chưa hẳn đã được sàng lọc tốt.

Hậu quả là nhiều trẻ khi lớn lên, đến tuổi đến trường, mới bộc lộ những nhược điểm trong lời nói, cách dùng từ, thậm chí quen dùng tiếng “lóng” khẩu ngữ hằng ngày. Tất cả đẩy con trẻ vào bối cảnh khó khăn về giao tiếp và cách nắm bắt tiếng Việt ngày càng hạn chế.

“Đừng để con trẻ đến tuổi vào lớp 1 mới học nói tiếng Việt” - cô giáo Phạm Phương Lan nhắc nhở như vậy.

Sự thật một đứa trẻ được học và nói tiếng Việt từ 3 – 5 tuổi là cả một quá trình rất dài, và đã định hình được rất nhiều từ ngữ, cách dùng từ ngữ cho trẻ suốt quá trình ấy. Môi trường giáo dục ở nhà trường, nhất là trường mầm non sẽ chỉ giúp hoàn thiện thêm các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp của trẻ, chứ không thay thế được hoàn toàn vai trò “giáo dục sơ khai” của cha mẹ.

Một khi đứa trẻ không được hướng dẫn “bắt đầu” học tiếng Việt bằng nhận thức dùng từ cho đúng ở trong gia đình, mơ hồ từ lời thưa tiếng chào, từ định vị đại từ nhân xưng cho những người xung quanh, nguy cơ bị trở ngại về sử dụng tiếng Việt về sau là có thật.

Lật lại một số sách dạy ngoại ngữ cho trẻ em, từ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc…, người ta nhận ra việc định vị, gọi đúng những đại từ nhân xưng, kỹ năng dùng từ phân biệt, định vị phương hướng bản thân cho con trẻ được các nhà sư phạm hết sức quan tâm. Vậy tại sao trong việc dạy tiếng Việt cho con cái tại gia đình, các bậc cha mẹ lại không thể hiểu để nắm bắt, thực hành hướng dẫn cho con cái một cách chính xác, hiệu quả?

“Học ngoại ngữ rất giỏi nhưng dùng tiếng Việt rất kém”, đang là thực trạng xảy ra với các thế hệ trẻ hôm nay. Điều ấy là vấn đề đáng được quan tâm, để các bậc phụ huynh có trách nhiệm hơn.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc