Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm

09:35, 21/08/2024

Câu chuyện về việc người dân thôn 2 (xã Ea Nam, huyện Ea H'leo) tự giác tháo dỡ công trình trái phép, trả lại mặt bằng lấn chiếm trước giờ cưỡng chế đang là tâm điểm chú ý tại huyện Ea H’leo. Việc này không chỉ phản ánh những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý đất đai mà còn là bài học về sự phối hợp giữa chính quyền và người dân trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Khởi nguồn của vụ việc là từ khu đất 7.000 m² tại thôn 2 (xã Ea Nam) thuộc phần dôi dư sau khi nắn chỉnh tuyến Quốc lộ 14 (trước năm 2014) được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn, nhằm bố trí sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, 13 hộ dân có nhà ở liền đó đã lấn chiếm, cơi nới, xây dựng các công trình phục vụ hoạt động kinh doanh và sinh sống (diện tích 2.930 m²).

Người dân vận chuyển tài sản đến nơi an toàn, tự tháo dỡ công trình sai phạm.

Người dân cho rằng phần đất này phù hợp với quy hoạch sử dụng của xã nên tự ý lấn chiếm và yêu cầu Nhà nước giao cho họ (có thu tiền sử dụng đất mà không thông qua đấu giá) để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi rà soát và đo đạc, huyện Ea H’leo xác định các hộ dân này không thuộc diện được giao đất và đã ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu tự giải phóng mặt bằng và trả lại đất cho Nhà nước. Thế nhưng, các hộ dân vẫn chần chừ, không thực hiện.

Sau khi UBND huyện Ea H’leo đã gửi văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh, nhận thấy việc giao đất không thông qua đấu giá là không khả thi về mặt pháp lý, UBND tỉnh đã gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại Công văn số 5743/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 14/10/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi rõ, những hộ dân này không phải đối tượng được giao đất không thông qua đấu giá, buộc phải thu hồi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Ea H’leo và xã Ea Nam.

Bí thư Huyện ủy Ea H'leo Bun Thó Lào (đứng giữa) cùng các thành viên Ban cưỡng chế kiểm tra hiện trường vụ việc.
 

Nếu bị cưỡng chế, người dân phải chịu nhiều khoản chi phí theo quy định liên quan đến công tác cưỡng chế, bảo quản tài sản, đấu giá, còn lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian để kiểm kê, kiểm đếm tài sản chi tiết. Tài sản bị cưỡng chế sẽ được đưa về nơi tập kết và giao cho UBND xã quản lý trong thời gian 90 ngày. Nếu sau thời gian này, hộ dân không nhận lại tài sản, hội đồng định giá sẽ định giá tài sản và tiến hành các bước tiếp theo”.

 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Thắng Êban

Đầu năm 2024, UBND huyện Ea H’leo đã ban hành quyết định cưỡng chế và thành lập Ban cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với các trường hợp lấn, chiếm tại khu đất 7.000 m2 nói trên (theo kế hoạch của huyện, khu đất này sẽ được làm hoa viên, phục vụ lợi ích công cộng). Ban cưỡng chế đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại trực tiếp với các hộ dân để tìm ra giải pháp hợp lý. Mặc dù các hộ dân đồng thuận với việc giải phóng mặt bằng nhưng họ vẫn không tự nguyện tháo dỡ các công trình và di dời tài sản.

Ngày 6/8/2024, Ban cưỡng chế ra thông báo và triển khai lực lượng đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ (kế hoạch cưỡng chế trong 4 đợt, từ ngày 6/8 - 16/8/2024). Trước giờ cưỡng chế, các thành viên trong Ban cưỡng chế tiếp tục đến từng nhà gặp gỡ, vận động và thuyết phục người dân. Kết quả, 12 hộ dân (có 13 thửa) đã nhận thức rõ việc tự ý cơi nới và lấn chiếm đất là vi phạm pháp luật nên tự nguyện tháo dỡ các công trình, kiến trúc và trả lại mặt bằng cho Nhà nước quản lý.

Quá trình người dân tự tháo dỡ công trình đã nhận được sự hỗ trợ từ Ban cưỡng chế như: cử lực lượng giúp người dân tháo dỡ các công trình sai phạm, vận chuyển tài sản; tiến hành các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho cả người dân và tài sản.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.