Multimedia Đọc Báo in

Người dân nội đô “khát” nước sạch

07:12, 15/08/2024

Dù ở trung tâm thành phố nhưng hàng chục năm nay, mỗi ngày, người dân ở liên gia 14, buôn M’Duk, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng hoặc nước mưa không hợp vệ sinh và có nguy cơ ô nhiễm cao.

Nỗi lo nguồn nước ô nhiễm

Hơn 30 năm sinh sống tại đây, bà Hồ Thị Bông (62 tuổi) cho biết, nhà bà có một giếng đào, mặc dù giữa cao điểm mùa mưa nhưng cũng không đủ nước để dùng. Nhà đông người, nhu cầu dùng nước sinh hoạt rất lớn, nhưng do nguồn nước giếng đào không đủ nên cứ 4 - 5 ngày các thành viên trong gia đình lại phải thay nhau kéo ống đi xin hàng xóm. Trong nhà bà lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn các vật dụng như xô, chậu, thùng để hứng nước mưa hoặc nước xin. Ít nước đã đành, nước bơm lên để một lúc thì đóng váng nên nhà bà chỉ dám sử dụng để tắm, giặt, rửa, còn nước nấu ăn và uống phải mua bình đóng sẵn.

Gia đình bà Hồ Thị Bông phải dùng nhiều vật dụng để chứa nước.

Cách nhà bà Bông không xa, hộ anh Lý Ngọc Dương cùng chung nỗi lo khi phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Theo anh Dương, hàng chục năm qua, không chỉ gia đình anh mà nhiều hộ dân khác ở liên gia 14 vẫn phải xoay xở với nguồn nước giếng, nước mưa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao. Không những sinh hoạt hằng ngày của con người bị ảnh hưởng mà các cây trồng trong vườn cũng chậm phát triển do nguồn nước nhiễm phèn.

Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn M’Duk Ngô Dương Lâm cũng là một trong những hộ dân có nhà ở liên gia 14 trăn trở: “Cả khu dân cư với số nhân khẩu rất lớn, nằm ngay trung tâm thành phố chưa có nước sạch để sử dụng, nói ra ai cũng không tin. Cách đây khoảng 20 - 30 năm về trước, khi dân cư còn thưa thớt, việc sử dụng nước giếng ở khu vực này cũng là cực chẳng đã. Còn hiện nay, khi mật độ dân cư cao, nhiều nhà hàng, quán xá được mở ra, cộng với quá trình đô thị hóa khiến nguồn nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt. Hơn thế nữa, khu vực liên gia 14 ở gần các nghĩa trang và kho xăng dầu (cũ) nên việc sử dụng nguồn nước ngầm không bảo đảm vệ sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Do vậy, nhu cầu sử dụng nước máy của các hộ dân nơi đây rất bức thiết. Chỉ tính riêng hẻm 42 Mai Thị Lựu (chiều dài khoảng 400 m) đã có hơn 20 hộ đăng ký đấu nối nguồn nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk”. 

Ông Lâm cũng cho biết thêm, qua các lần tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần ý kiến, thậm chí làm cả đơn gửi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiến nghị giải quyết nhu cầu chính đáng được sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng chưa được giải quyết.

Áp lực nước yếu

Liên quan đến vấn đề này, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cho biết, tháng 3/2024, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của người dân ở liên gia 14, buôn M’Duk, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật đến khảo sát hiện trạng. Qua khảo sát cho thấy, áp lực nước tại khu vực này (tại ngã ba Tuệ Tĩnh – Mai Thị Lựu) chỉ đạt 0,1 kg/cm2, trong khi yêu cầu tối thiểu là 1 kg/cm2. Do vậy, phương án đưa ra phải lắp đặt ống PVC D100 và ống HDPE D110 lấy nguồn từ trạm bơm buôn M’Duk để tăng áp lực tuyến ống nguồn tại đường Tuệ Tĩnh. Dự kiến tổng kinh phí để lắp đặt hai tuyến ống này khoảng 727 triệu đồng.

Gia đình ông Ngô Dương Lâm và nhiều hộ dân khác ở liên gia 14, buôn M'Duk, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) luôn sẵn bồn chứa để hứng nước mưa.

Ngoài áp lực nước yếu, việc lắp đặt tuyến ống còn phải thực hiện theo chỉ giới quy hoạch đường Mai Thị Lựu. Hiện nay, tuyến đường Mai Thị Lựu có mặt cắt 11 m, trong khi quy hoạch của đường là 24 m. Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch, tuyến ống sẽ đi vào trong đất của người dân, thậm chí một số vị trí vào khu vực công trình đã được xây dựng kiên cố. Mặt khác, việc lắp đặt tuyến ống mới phải thỏa thuận được vị trí với cơ quan quản lý nhà nước (Phòng Quản lý đô thị của thành phố), song công tác này hiện chưa thực hiện được.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc