Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Người dân vẫn lơ là

08:31, 26/08/2024

Vài tuần trở lại đây, số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Ngoài các yếu tố của thời tiết thì nguyên nhân quan trọng khiến số ca mắc SXH tăng nhanh chính là sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh của người dân.

Đến thời điểm hiện tại, TP. Buôn Ma Thuột đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc SXH với 19 ổ dịch. Đây cũng là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất của tỉnh. Theo đánh giá của ngành y tế TP. Buôn Ma Thuột, số ca SXH trên địa bàn thành phố đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xã Tân Hòa, phường Tân Lập và phường Tân Thành có số ca mắc cao nhất.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch SXH, nhất là sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do SXH tại phường Thành Công, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột tiến hành kiểm tra tình hình thực tế ở các ổ dịch để kịp thời điều tra, khoanh vùng, dập dịch và hướng dẫn người dân phòng bệnh.

Qua điều tra, giám sát véc tơ phòng dịch tại đây cho thấy, người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường. Đáng nói, nhiều hộ vẫn còn có thói quen sử dụng các chum, vại để đựng nước, tạo môi trường cho lăng quăng (bọ gậy) sinh sôi, gây ra muỗi truyền bệnh SXH.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại huyện Buôn Đôn.

Kiểm tra tại hộ nhà ông Đ.V.A. (trú phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), đoàn kiểm tra phát hiện những chiếc chum, vại chứa đầy nước mưa trong đó có nhiều lăng quăng đang sống, thế nhưng gia chủ không hề hay biết… Khi được hỏi, chủ nhà thanh minh do bận việc nên chưa dọn dẹp được.

Theo bác sĩ CKI Đặng Ngọc Sơn (Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột), hiện nay công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, người dân còn chủ quan lơ là, xem thường dịch bệnh và mặc nhiên cho rằng chống dịch là trách nhiệm của ngành y tế.

“Trong quá trình kiểm tra thực tế ở địa phương, ngành y tế thành phố xác nhận phần lớn ý thức phòng bệnh SXH của người dân chưa được nâng cao; trong vườn còn các vật dụng sinh hoạt hư hỏng chứa đầy nước tù đọng và bên trong là những ổ lăng quăng (bọ gậy) đang sinh sống. Có gia đình để chum nước sinh hoạt nhưng không có nắp đậy nên cũng trở thành nơi muỗi đẻ trứng và lăng quăng sống”, bác sĩ Sơn thông tin thêm.

Theo nhận định của ngành y tế, thời điểm này, ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng thì thời tiết nắng mưa đan xen, là môi trường thuận lợi để muỗi phát triển. Dự báo thời gian tới, số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng.

Đáng lo ngại, năm 2025 cũng được dự báo là năm chu kỳ đỉnh SXH. Để chủ động ngăn ngừa từ xa và hạn chế dịch bệnh SXH bùng phát, ngành y tế đã triển khai các đợt phun hóa chất chủ động diệt muỗi để xử lý tất cả các ổ dịch. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh SXH và một số bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế cơ sở.

Phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tại TP. Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thời tiết, một nguyên nhân quan trọng khiến số người mắc SXH ở các địa phương trong tỉnh tăng nhanh chính là sự chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh của người dân.

Bác sĩ Trần Kim Long, Phó phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, tác nhân gây bệnh SXH hầu như ai cũng biết là do muỗi truyền vi rút sang người.

Do đó, biện pháp phòng, chống muỗi sinh sản là phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để nước tồn đọng trong các vật dụng trong nhà để làm nơi sinh sản của muỗi… Song, ý thức chủ động phòng, chống dịch SXH lại ít người thực hiện được.

Thực tế, SXH là bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, hiện chưa có thuốc đặc trị.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, không để SXH lây lan thành dịch trong cộng đồng, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) tại hộ gia đình và nơi sinh sống với phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc