Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện thuận lợi cho lao động người dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động

19:13, 23/08/2024

Nhiều lao động người dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk có nhu cầu đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng song do hạn chế về trình độ, rào cản về tâm lý, đặc biệt là chi phí nên cánh cổng ra nước ngoài làm việc vẫn còn khá hẹp.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) LÊ HẢI LÝ xung quanh vấn đề này. 

* Ông đánh giá thế nào về nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) của lao động trên địa bàn tỉnh sau khi kết thúc chuỗi hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng tại các buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống do Trung tâm phối hợp với 5 phòng LĐ-TB&XH các huyện trong tỉnh vừa tổ chức? 

Ông Lê Hải Lý,
Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk. 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk và Krông Bông vào ngày 17/6/2024, trong đó có nội dung đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện: Ea Súp, Krông Bông, Lắk, Buôn Đôn, M’Drắk tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và XKLĐ tại các buôn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Bình quân mỗi buôn có hơn 80 người dân tham gia.

Kết thúc chuỗi hoạt động, có 225 người lao động ở 14 buôn quan tâm, tìm hiểu việc làm trong nước và có mong muốn được đi XKLĐ.

Đến nay, có 9 người đăng ký đi XKLĐ, trong đó 4 lao động người DTTS của huyện M’Drắk đã hoàn thiện hồ sơ nhập học tại TP. Hồ Chí Minh để sớm sang Nhật Bản làm việc sau khi được Trung tâm hỗ trợ làm Lý lịch tư pháp và phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) hỗ trợ làm hộ chiếu phổ thông nhanh chóng, thủ tục đơn giản nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết trước khi tham gia XKLĐ.

* Qua kết quả trên có thể thấy nhu cầu tìm việc làm, nhất là việc làm ngoài nước của lao động người DTTS trên địa bàn tỉnh khá lớn. Song người lao động lại đang gặp phải những khó khăn nhất định, thưa ông? 

Đợt tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm ở 14 buôn lần này có điểm khác biệt là tất cả thông tin được phổ biến bằng tiếng Kinh và tiếng mẹ đẻ (Êđê), được các trưởng buôn trực tiếp truyền đạt nên bà con rất tập trung, chăm chú lắng nghe, hiểu rõ nội dung và mạnh dạn bày tỏ nhiều điều còn băn khoăn, chưa rõ khi tham gia XKLĐ. 

Nhân viên
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (bìa phải) đến tận nhà người lao động dân tộc thiểu số ở xã Cư M'tar (huyện M'Drắk) tư vấn việc làm ngoài nước.

Qua trao đổi, bà con lo lắng về trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ hạn chế, khó tìm được đơn hàng làm việc phù hợp, rồi sinh hoạt, làm việc thế nào khi không biết tiếng của đất nước nơi mình đến làm việc. Bà con không muốn rời xa buôn làng ra nước ngoài làm việc trong thời gian dài, hoặc nếu có thì chỉ muốn làm thời vụ trong vài ba tháng để còn về nhà thăm gia đình, chăm sóc nương rẫy, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến công tác XKLĐ.

Thêm một khó khăn nữa, khi tham gia XKLĐ trước tiên người lao động phải chuẩn bị khoản kinh phí từ 25 – 30 triệu đồng để nộp tiền cọc, chi phí sinh hoạt trong thời gian học tiếng khoảng 6 tháng; và sau khi hoàn thành khóa học phải nộp đủ số tiền thỏa thuận với Công ty. Trong khi đó, theo quy định sau khi có lịch bay thì người lao động mới được vay vốn đi XKLĐ từ Ngân hàng chính sách xã hội (tối đa 100 triệu đồng). Hầu hết lao động người DTTS muốn XKLĐ hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể tham gia. 

* Từ thực tế trên, theo ông làm thế nào để từng bước phá bỏ những rào cản này, góp phần tạo cơ hội để người lao động DTTS ở vùng sâu, vùng xa tìm kiếm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống?  

 

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 150.000 người, trong đó đưa 7.000 - 7.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chỉ riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã có 806 lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn; 216 lượt lao động ra nước ngoài làm việc theo thời vụ.

Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được tỉnh Đắk Lắk quan tâm thực hiện và đạt kết quả đáng kể, từ đó, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hiện nay, XKLĐ vẫn là kênh thoát nghèo, làm giàu bền vững của nhiều lao động, nhất là lao động người DTTS ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Do đó, ngoài tăng cường tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm đến các buôn đồng bào DTTS nhằm đẩy mạnh giới thiệu việc làm, nhất là XKLĐ để góp phần giảm nghèo, đề nghị Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã cần mở rộng hợp tác chương trình đi làm việc thời vụ (ngắn hạn từ 3-5 tháng) tại Hàn Quốc để tạo điều kiện cho người lao động DTTS có cơ hội đi làm việc nước ngoài phù hợp với tâm lý, mong muốn và phong tục tập quán. 

Đồng thời kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung về thủ tục vay vốn chương trình XKLĐ để phù hợp với tình hình thực tế, giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn vay đạt hiệu quả.

Nguyên Thắng (thực hiện) 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.