Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ

07:43, 13/08/2024

Những năm qua, Hội LHPN các cấp với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới đã triển khai nhiều hoạt động phong phú và đạt những hiệu quả tích cực.

Đa dạng hóa phương thức tuyên truyền

Giao lưu “Sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024” do Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức được xem là một trong những phương thức tuyên truyền khá hiệu quả, nhận được sự quan tâm của đông đảo hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Với sự chuẩn bị chu đáo, Hội LHPN các địa phương đã đem đến cho người xem những nội dung và sắc thái riêng, làm nổi bật chủ đề chương trình là “Chung tay thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình”. Đặc biệt, ở phần thi tiểu phẩm, các đội đã có những kịch bản với nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú phản ánh thực trạng vấn đề bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình dưới nhiều hình thức.

Truyền thông về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa tại chương trình giao lưu “Sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024”.

Là đội thi được đánh giá có tiết mục truyền thông xuất sắc nhất, Hội LHPN huyện Krông Pắc đã tái hiện sống động một thực trạng buồn về vấn đề bạo lực gia đình và đưa ra hướng giải quyết một cách nhân văn, phù hợp qua tiểu phẩm “Hạnh phúc lớn trong gia đình nhỏ”.

Bà Phạm Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pắc chia sẻ: “Sân khấu hóa là hình thức truyền thông mang lại nhiều thông điệp, dễ tiếp cận tới đối tượng. Chính vì vậy, tiểu phẩm được đơn vị xây dựng dựa trên tình huống có thật và cách giải quyết vấn đề cũng theo thực tế tại địa phương. Đây cũng là một trong những giải pháp đã được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục có hại, góp phần xây dựng môi trường sống cho phụ nữ và trẻ em”.

Mới đây, “Phiên tòa giả định” tuyên truyền pháp luật do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Phiên tòa được thực hiện với đầy đủ quy trình xét xử và thành phần liên quan. Theo cáo trạng, bị cáo và nạn nhân kết hôn hơn 10 năm. Trong quá trình chung sống, người vợ thường bị chồng bạo hành. Một lần đi nhậu về, vợ chồng lời qua tiếng lại, người chồng đã gây thương tích cho vợ với tỷ lệ thương tật 35%. Biết được sự việc, Hội LHPN địa phương đã vào cuộc, tố giác hành vi bạo lực gia đình.

“Phiên toà giả định” tuyên truyền pháp luật do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.

Quá trình xét xử tại phiên tòa đã phân tích lý do, nguyên nhân dẫn đến hành vi gây thương tích đáng tiếc. Qua đó tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các quy định của Bộ luật Hình sự, về các hành vi cố ý gây thương tích; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức về văn hóa, cách ứng xử trong gia đình.

Tạo cơ hội cho phụ nữ

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của Việt Nam nói riêng, các quốc gia trên thế giới nói chung nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Trên địa bàn tỉnh ta, thời gian qua, bám sát các văn bản của hội cấp trên cũng như các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bình đẳng giới, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu công tác cán bộ nữ, vai trò chủ trì trong thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đạt được nhiều kết quả quan trọng, qua đó đã từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, để công tác bình đẳng giới đi vào chiều sâu, các cấp hội đã phát huy vai trò chủ trì trong thực hiện Dự án 8 như xây dựng gần 400 mô hình truyền thông, hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực về bình đẳng giới tại cộng đồng; triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cấp huyện, xã, thôn, buôn, tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cho phụ nữ vùng triển khai Dự án 8; tổ chức các hội thảo, hội thi, liên hoan tìm hiểu pháp luật…

Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang duy trì nâng cao chất lượng của 584 mô hình dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và gia đình với trên 12.600 thành viên tham gia, giúp chị em nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về vị thế, vai trò, quyền của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Trong đó, từ năm 2017 đến nay, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội đã vận động, hỗ trợ cho 1.660 phụ nữ khởi nghiệp với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng; xây dựng và duy trì 998 tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm quay vòng với số tiền 34 tỷ đồng, giúp 5.527 hội viên phụ nữ khó khăn vay không tính lãi.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay: “Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực, đổi mới cách thực hiện Dự án 8 phù hợp với từng địa bàn, qua đó tạo cơ hội, điều kiện cho chị em phát huy tối đa năng lực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc