Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: Hiệu quả từ chương trình đối thoại
Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với đoàn viên, người lao động (NLĐ) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp vướng mắc... Qua đó, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk từ năm 2014 đã chủ động phối hợp với Ban Tổng Giám đốc công ty xây dựng quy chế đối thoại phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Theo đó, thực hiện quy định pháp luật về dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, Ban Tổng Giám đốc công ty tổ chức đối thoại với NLĐ định kỳ 3 tháng một lần hoặc đối thoại khi cần thiết; đặc biệt, việc đối thoại được tổ chức ở cả ba cấp gồm: Đối thoại ở đội sản xuất, đối thoại ở chi nhánh và đối thoại ở công ty.
Cán bộ công đoàn Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk trò chuyện, trao đổi với người lao động. |
Thông qua đối thoại, CĐCS công ty đã đề xuất, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên, NLĐ, nhất là lao động nữ như: Phụ cấp riêng 80.000 đồng mỗi tháng cho lao động nữ; hỗ trợ thêm cho lao động nữ sinh con thứ nhất và thứ hai với mức tiền bằng 2 tháng lương cơ sở; NLĐ phải nghỉ việc không lương do thanh lý vườn cây, khai hoang, trồng mới được hỗ trợ 100% kinh phí đóng bảo hiểm xã hội… Có thể nói, qua mỗi kỳ tổ chức đối thoại, nhiều ý kiến, tâm tư của công nhân lao động đã được đơn vị kịp thời nắm bắt, giải quyết, qua đó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Với CĐCS Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung, sau mỗi lần đối thoại, Ban lãnh đạo công ty đã kịp thời điều chỉnh, thay đổi nhiều chính sách, chế độ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ. Bên cạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật, công ty đã thực hiện các chế độ, chính sách có lợi cho lao động nữ như: lao động nữ được bố trí công việc phù hợp ngành nghề, sức khỏe; khi mang thai được đi khám thai định kỳ, đến tháng thứ bảy trở đi không phải làm việc ban đêm; khi nuôi con dưới 24 tháng tuổi được giảm bớt 1 giờ làm việc so với thông thường mà vẫn hưởng đủ lương, được khám chuyên khoa, khám sức khỏe định kỳ… Bên cạnh đó, đơn vị đã lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía NLĐ để kịp thời điều chỉnh chất lượng bữa ăn và chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn. Chế độ ăn ca cho người lao động được thực hiện theo đúng quy định, khoảng 35.000 đồng/suất. Trong khi đó, tại các nhà máy đều có nhà ăn tập thể khang trang, sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh và mỗi suất ăn chỉ từ 20.000 - 27.000 đồng/suất, nên số tiền ăn ca còn lại cuối năm sẽ thanh toán cho người lao động...
Không chỉ ở các CĐCS mà Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp như: Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk với công nhân lao động; Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và NLĐ. Cùng với đó, một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn tổ chức đối thoại giữa cán bộ, đoàn viên, NLĐ với lãnh đạo, các phòng ban, chuyên môn.
Đoàn viên, người lao động nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội tỉnh. |
Cụ thể, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri với đoàn viên, công nhân lao động các đơn vị trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Vào lần gặp gỡ đối thoại gần đây nhất (tháng 4/2024), nhiều ý kiến của các đoàn viên, NLĐ đã được các đại biểu Quốc hội tiếp nhận như kiến nghị của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế về việc cần có mức lương, phụ cấp tương xứng với đặc thù nghề nghiệp; kiến nghị của giáo viên mầm non về chế độ, chính sách nhằm giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề...
Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 236 CĐCS doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất giữa lãnh đạo với NLĐ; trong đó doanh nghiệp nhà nước đạt 100%, doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 69%. Qua các cuộc trao đổi, đối thoại, NLĐ được thực hiện quyền đóng góp ý kiến, lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội lắng nghe và hiểu rõ hơn, qua đó tạo mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và minh bạch. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc