Multimedia Đọc Báo in

“Tiếp sức”cho các hộ nghèo

08:35, 29/08/2024

Xác định công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và mang lại kết quả thiết thực.

Là một trong những hộ mới thoát nghèo năm 2023, chị H’Oan Byă (buôn Pứk Prông, xã Ea Ning) không giấu được niềm vui khi kể về hành trình thoát nghèo của gia đình.

Trước đây, mặc dù có vài sào cà phê liên kết với công ty cà phê đứng chân trên địa bàn, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, việc chăm bón cũng không được đầu tư nhiều nên năng suất không cao.

Ngoài nguồn thu từ vườn cà phê già cỗi này, gia đình chị vẫn phải tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí thường ngày.

“Lập gia đình sớm, lại đẻ dày, có bốn đứa con nên cứ thiếu ăn, thiếu mặc suốt…”, chị H’Oan kể lại.

Chị H’Oan Byă, buôn Pứk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (thứ ba từ trái sang) kể về quá trình thoát nghèo của gia đình.

Cũng nhờ chăm chỉ làm việc, lại biết tích góp, đặc biệt là được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị có điều kiện đầu tư vào trồng cà phê, tiêu, mua bò sinh sản. Từ đó, kinh tế dần ổn định và phát triển hơn.

Trong ngôi nhà mới khang trang, có tổng kinh phí xây dựng hơn 650 triệu đồng được hoàn thành vào tháng 11/2023, chị H’Oan xúc động nói: “Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện giúp gia đình tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi mong rằng các cấp, ngành, địa phương tiếp tục có sự quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn được hỗ trợ, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, vươn lên thoát nghèo…”.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Công (thôn 23, xã Ea Ning) lấy nhau từ năm 2012 gần như với hai bàn tay trắng. Trong lúc khó khăn ấy thì được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ hộ nghèo với 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Có được khoản vốn kha khá, anh chị đầu tư vào trồng cà phê, tiêu, sầu riêng; mở tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán, kinh tế dần ổn định. Với bản tính chịu thương chịu khó, biết tính toán trong làm ăn, những năm sau đó, anh chị dành dụm tiền mua được chiếc xe ô tô chạy dịch vụ và tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn lần hai là 90 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Đến nay, gia đình anh chị đã thoát nghèo được 3 năm và đang xây dựng ngôi nhà mơ ước của mình với diện tích 150 m2.

Chị Nguyễn Thị Công (thôn 23, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) chăm sóc vườn cây của gia đình.
 

Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các chính sách, cùng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong những năm qua việc thực hiện giảm nghèo ở địa phương đạt những kết quả tích cực. Hằng năm chỉ tiêu giảm nghèo đề ra đạt bình quân từ 0,8 - 1%, tương đương có khoảng trên 200 hộ thoát nghèo mỗi năm…” - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin Phạm Thị Thừa.

 

Không riêng gia đình các chị H’Oan Byă và Nguyễn Thị Công mà còn nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Cư Kuin đã thoát nghèo từ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Phạm Thị Thừa cho biết, để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, hằng năm huyện chỉ đạo các xã điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm truyền cảm hứng, thay đổi tư duy, ý thức chủ động vươn lên của hộ nghèo; quan tâm tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo và nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Cùng với đó, UBND huyện tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: cho vay vốn ngân hàng chính sách, cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí…

Đồng thời, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như: hỗ trợ xuất khẩu lao động; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, giáo dục, y tế; quan tâm tư vấn hướng nghiệp, học nghề; huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống hộ nghèo, cận nghèo.

Đến nay, có trên 2.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm với tổng dư nợ trên 83,4 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm 2024, toàn huyện hỗ trợ xây dựng 119 căn nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hỗ trợ 2 căn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 32 căn, ngành công an thực hiện 85 căn nhà, tổng kinh phí trên 8,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn huyện với 1.180/2.000 lượt người; đào tạo nghề năm 2024 với 1.224/2.000 lượt người; tổ chức 8 phiên giao dịch, tư vấn việc làm, với hơn 500 lượt lao động tham gia; gia hạn và cấp mới 12.490 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền 3,25 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 1.963 lượt hộ nghèo, 2 lượt hộ chính sách với số tiền hơn 344 triệu đồng; chi trả tiền miễn giảm học phí cho 267 đối tượng, kinh phí gần 1,6 tỷ đồng…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.